5 nguyên tắc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

Ngoài tuân thủ việc dùng thuốc thì kiểm soát chế độ ăn, theo dõi tái khám định kỳ và thực hiện các xét nghiệm thường xuyên là những điều cần thiết cho người bệnh đái tháo đường, giúp người bệnh kiểm soát đường huyết tốt hơn cũng như phát hiện và phòng ngừa các biến chứng.

Tưởng “vong nhập” bởi mắt trợn ngược, co giật do hạ đường huyết

Bệnh nhân là nữ 30 tuổi, ở Long An lên cơn co giật, mất ý thức, gia đình nghĩ bị “vong nhập” nên tìm cách trừ tà mong chữa được bệnh. Đến khi bệnh nhân sùi bọt mép đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện bị đột quỵ giả do hạ đường huyết.

Tại Khoa Nội tiết Đái tháo đường – Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng co giật, hôn mê, mất ý thức, đường trong máu hạ thấp chỉ còn 47 mg/dL (bình thường đường huyết đói trên 80 mg/dL).

Qua khai thác bệnh sử, được biết bệnh nhân phát hiện mắc tiểu đường từ năm 2023. Từ đó đến nay phải nhập viện cấp cứu nhiều lần, lúc thì do tăng đường huyết, lúc thì do nhiễm toan ceton (biến chứng của đái tháo đường)… Sau khi được cấp cứu bù dịch, truyền đường, giúp đường huyết trở về mức ổn định. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được xuất viện.

Bí quyết kiểm soát đường huyết

Người bệnh tiểu đường cần lưu ý phòng ngừa nguy cơ hạ đường huyết như dùng thuốc đều đặn, đúng liều, ăn uống đầy đủ, theo dõi đường huyết thường xuyên và khi bị ốm hoặc ăn kém cần liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn điều chỉnh liều thuốc phù hợp.

Nếu không kiểm soát đường huyết tốt dễ bị hạ đường huyết. Nhiều trường hợp bị hạ đường huyết, người nhà phát hiện chỉ cho ăn uống hoặc truyền đường, sau đó lại tiếp tục đơn thuốc cũ. Hậu quả là ngày hôm sau người bệnh lại tiếp tục bị tụt đường dẫn đến tổn thương não, hôn mê sâu. Vì vậy, việc kiểm soát đường huyết là vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường.

5 nguyên tắc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, gồm:

5 nguyên tắc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường- Ảnh 1.


1. Kiểm soát theo dõi đường huyết

Người bệnh cần thường xuyên đo và ghi lại nhật ký kết quả đo đường huyết tại nhà. Cần lưu ý các thời điểm đo bao gồm: đo đường huyết lúc đói (trước khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều), đo đường huyết sau ăn (cách 2 giờ sau khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều), trước khi ngủ, trước hoặc sau khi tập thể dục. Ngoài phương pháp sử dụng máy đo đường huyết thông thường, hiện nay các thiết bị theo dõi đường huyết liên tục là kỹ thuật mới có thể hỗ trợ hiệu quả cho người bệnh tiểu đường, đồng thời giúp bác sĩ đưa ra các tư vấn cần thiết, kịp thời điều chỉnh chế độ điều trị, kiểm soát tốt đường huyết cho người bệnh.

2. Cần có chế độ ăn hợp lý

Chế độ ăn hợp lý là nền tảng trong điều trị đái tháo đường, chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp người đái tháo đường kiểm soát tốt đường huyết, cân nặng và giảm thiểu các biến chứng.

Nên hạn chế tinh bột

Carbohydrate (tinh bột), là nguồn năng lượng chính cung cấp cho cơ thể hàng ngày. Carbohydrate được tiêu hóa trong cơ thể tạo thành đường trong máu. Khẩu phần carbohydrate trong bữa ăn của bạn có ảnh hưởng lớn nhất đến nồng độ đường trong máu. Tuy nhiên, nếu bị bệnh tiểu đường không có nghĩa phải ngừng ăn các loại thực phẩm có chứa carbohydrate. Nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và trái cây để cung cấp năng lượng ổn định. Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về lượng carbohydrate vừa phải trong các bữa ăn.

Đối với chất béo

Xem trên nhãn hàng để lựa chọn thực phẩm phù hợp tránh các chất béo bão hòa, lựa chọn các chất béo không bão hòa như dầu ô liu, lạc, vừng…Đồng thời nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như khoai tây, cá, các loại rau xanh.

Hạn chế ăn muối

Nếu đang có một chế độ ăn nhiều muối, hãy giảm ngay lượng muối trong đó, điều này giúp hạ huyết áp và bảo vệ thận. Vì các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, nên sử dụng các nguyên liệu tươi để chế biến món ăn. Có thể sử dụng các loại thảo mộc và gia vị thay muối khi nấu ăn. Người trên 50 tuổi, người mắc bệnh cao huyết áp, Tiểu đường hoặc bệnh thận mạn tính nên ăn không quá 1.500 mg muối 1 ngày – lượng muối này chỉ tương đương với nửa muỗng cà phê.

3. Giảm cân nếu cần thiết

Nếu đang bị thừa cân, giảm cân là cách hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường rất hiệu quả. Nó sẽ giúp giảm lượng đường và mỡ trong máu và cải thiện huyết áp. Tuy nhiên việc giảm cân của người mắc bệnh tiểu đường cần tuân thủ theo một chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt. Để bắt đầu, hãy thử cắt giảm thực phẩm giàu chất béo và năng lượng từ chế độ ăn hàng ngày. Người mắc bệnh tiểu đường cần một chế độ ăn đặc biệt nhằm hạn chế thừa cân và tăng lượng đường trong máu.

5 nguyên tắc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường- Ảnh 2.

4. Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Nếu đang dùng insulin hoặc đường huyết không ổn định, cần thường xuyên đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời và có chế độ chăm sóc hợp lý. Nên kiểm tra mắt, thần kinh, thận và các biến chứng khác. Gặp bác sĩ nha khoa hai lần một năm để kiểm tra răng miệng. Khi khám, hãy lưu ý với các bác sĩ về tình trạng bệnh tiểu đường để có kết quả chính xác hơn.

Bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm trùng bàn chân chỉ từ những vết thương nhỏ. Vì vậy, cần điều trị các vết thương, vết cắt, trầy xước thật nhanh chóng trước khi bị nhiễm trùng nặng.

Người bệnh nên tự kiểm tra hoặc nhờ người thân kiểm tra bàn chân hằng ngày. Nếu nhận thấy da đổi màu, da nứt nẻ, rộp phồng, các vết nứt sâu trên da, da bàn chân đỏ và sưng xung quanh móng chân, chảy dịch hoặc mưng mủ… người bệnh cần thăm khám với bác sĩ phụ trách để được chăm sóc y tế. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng.

Ngoài ra, không nên bỏ qua những dấu hiệu bất thường gặp phải ở mắt mà hãy liên lạc với bác sĩ nhãn khoa để được giải đáp.

5. Tập luyện thể dục thường xuyên

Việc tập thể dục cùng với chế độ ăn hợp lý được coi là nền tảng của mọi phác đồ điều trị bệnh tiểu đường. Bệnh nhân được khuyến khích vận động thường xuyên, tăng cường tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày và ít nhất 5 ngày/ tuần.

Ngoài ra, người bệnh tiểu đường cần uống đủ nước và nên ngủ, thức đúng giờ. Ngủ đủ giấc, không thức quá khuya giúp nhịp sinh học cơ thể không bị xáo trộn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

Tuyệt đối “nói không” với rượu, bia, thuốc lá, nước uống có gas và các chất kích thích có hại cho sức khỏe vì đây là “kẻ thù” của người bệnh tiểu đường.