Gần đây, có nhiều quan điểm trái chiều về việc ăn củ sen với bệnh đái tháo đường nhưng chưa có kết luận cụ thể. Trong bài viết dưới đây xin giới thiệu ý kiến của chuyên gia y học cổ truyền về vấn đề này.
Củ sen, còn gọi là liên ngẫu, tên khoa học là Rhizoma Nelumbinis.
Củ sen là phần nằm sâu dưới bùn, có hình thon dài gần như bầu dục, màu trắng, bên trong có các khoang lỗ để giúp cho sen có thể sinh trưởng và phát triển trong điều kiện ngập trong bùn và không có không khí.
Củ sen thường được thu hoạch khi nhiệt độ xuống thấp, ngày ngắn, lúc đó thân sen khô, cho phép cây sen hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng để tập trung nuôi củ. Cần tháo cạn nước ra, sau đó nhổ củ sen bằng tay hoặc dùng đinh ba nạy gốc.
Củ sen sau khi nhổ về nên làm sạch rồi ngâm với muối, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Để bảo quản tốt củ sen, giữ được màu trắng tươi ngon, có thể ngâm củ sen trong hỗn hợp nước lọc pha thêm một chút giấm và muối.
Thành phần và tác dụng của củ sen
Theo Y học cổ truyền, củ sen có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ Phế, bổ Tỳ, cầm máu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng củ sen sở hữu hàm lượng dinh dưỡng cao, mang đến nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe người sử dụng.
Các chất dinh dưỡng trong củ sen bao gồm: Protein, carbohydrate, chất xơ, các vitamin nhóm B, vitamin C, canxi, các nguyên tố vi lượng quan trọng như sắt, đồng, magie, mangan, kẽm, kali, phốt pho, natri… Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy trong củ sen còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, các polysaccharide và polyphenol.
Lợi ích của củ sen đối với người bệnh đái tháo đường
Đặc biệt, củ sen mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh đái tháo đường. Đây là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường, làm gia tăng các nguy cơ bệnh tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Nghiên cứu thực nghiệm bước đầu cho thấy chiết xuất từ củ sen kích thích tụy tăng tiết insulin, giảm đề kháng insulin ngoại vi, giúp ổn định lượng đường trong máu. Ngoài ra, củ sen với hàm lượng calo thấp, giàu chất xơ rất tốt cho người bệnh đái tháo đường có thừa cân, béo phì và rối loạn mỡ máu.
Bên cạnh đó, thành phần natri và kali góp phần điều hòa nhịp tim và huyết áp ở mức ổn định. Vitamin C có trong củ sen là một chất chống oxy hóa rất quan trọng duy trì sức mạnh và tính toàn vẹn trong các cơ quan, mạch và da, góp phần hình thành collagen, tăng cường các chức năng miễn dịch.
Củ sen có thể làm nguyên liệu chế biến các món ăn thường ngày hoặc dùng dưới dạng thuốc sắc với liều từ 10 đến 20 gam/ngày.
Các món ăn từ củ sen
– Bún gạo lứt nấu củ sen
Nguyên liệu: 100g ức gà (bỏ mỡ, da), 400g củ sen, ngò, hành lá, 1 gói bún gạo lứt, gia vị vừa đủ.
Cách chế biến: Ức gà rửa sạch với muối, củ sen làm sạch, thái lát vừa ăn. Luộc mềm bún gạo lứt. Cho một ít hành vào nồi phi, cho thịt gà vào xào đến khi săn lại. Đổ khoảng 1,5 lít nước vào. Cho củ sen vào nấu đến khi củ sen mềm, nêm gia vị vừa ăn. Lấy bún gạo lứt ra tô và cho thêm nước dùng vào. Cho một ít ngò, hành lá vào tô.
– Canh củ sen đậu đỏ
Nguyên liệu: 100g củ sen, 70g đậu đỏ, gia vị vừa đủ.
Cách chế biến: Ngâm đậu đỏ 1 đêm để đậu được mềm, sau đó vớt ra rửa sạch. Gọt vỏ củ sen, rửa sạch thái lái vừa ăn. Cho đậu đỏ, củ sen và một lượng nước vừa đủ vào nồi. Hầm 30 phút hoặc đến khi các nguyên liệu mềm là được. Nêm gia vị vừa ăn.
– Cháo nấm củ sen chay
Nguyên liệu: Gạo tẻ, củ sen, nấm tươi (nấm mỡ, nấm rơm, nấm bào ngư,…), ngò, gia vị
Cách chế biến: Rửa sạch, gọt vỏ củ sen và thái khúc vừa ăn. Nấm tươi rửa sạch, thái hạt lựu (nếu nấu nấm khô, cần ngâm trước với nước cho mềm). Vo sạch gạo tẻ, cho vào nồi cùng củ sen.
Nấu đến khi cháo nhừ, sánh rồi nêm gia vị vừa ăn. Xào nấm với dầu ăn, thêm ít muối và hạt nêm. Xào nấm với lửa nhỏ khoảng 15 phút. Cho nấm xào vào nồi cháo, nấu thêm từ 5 đến 7 phút rồi tắt bếp cho thêm hành ngò vào và thưởng thức.
Một số lưu ý khi sử dụng củ sen
Người có hội chứng ruột kích thích không nên sử dụng củ sen thường xuyên vì củ sen chứa nhiều chất xơ dễ gây đầy bụng, khó tiêu
Củ sen sống dưới bùn lầy nên rất dễ nhiễm các loại ký sinh trùng, cần rửa sạch và chế biến trước khi dùng.