Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường trong máu cao nên nhiều người thắc mắc liệu ăn nhiều đường có gây ra bệnh này hay không.
Bệnh đái tháo đường là một thuật ngữ chung dùng để mô tả rối loạn chức năng chuyển hóa glucose, gây tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao). Điều này có thể xảy ra khi cơ thể tạo ra ít hoặc không tạo ra insulin, các tế bào của cơ thể đề kháng với insulin mà cơ thể tạo ra hoặc kết hợp cả hai.
Bệnh đái tháo đường là một tình trạng bệnh lý phức tạp do sự kết hợp của nhiều yếu tố gây ra. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, bệnh đái tháo đường có thể phát triển do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và lối sống.
1. Bệnh đái tháo đường có mấy loại?
Có nhiều loại bệnh đái tháo đường khác nhau, với các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân khác nhau. Tiêu chuẩn chăm sóc của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ chia các loại bệnh đái tháo đường chính:
Bệnh đái tháo đường type 1: Một bệnh tự miễn trong đó cơ thể tự tấn công nhầm, dẫn đến thiếu hụt insulin hoặc thiếu hoàn toàn việc sản xuất insulin. Người đái tháo đường type 1 cần tiêm insulin (hoặc đeo máy bơm insulin) mỗi ngày. Insulin cần thiết để quản lý lượng đường trong máu và cung cấp năng lượng cho cơ thể người bệnh.
Tiền đái tháo đường: Tiền thân của bệnh đái tháo đường type 2, trong đó lượng đường trong máu cao nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Tình trạng kháng insulin xuất hiện ở bệnh tiền đái tháo đường và các yếu tố lối sống, chẳng hạn như chế độ ăn uống, tập thể dục và giảm cân, có thể đảo ngược, trì hoãn hoặc ngăn ngừa bệnh đái tháo đường type 2.
Bệnh đái tháo đường type 2: Bệnh đái tháo đường không tự miễn thường được chẩn đoán muộn hơn nhưng có thể xảy ra ở trẻ em. Loại bệnh đái tháo đường này có liên quan nhiều đến lối sống, có nghĩa là thói quen ăn uống và hoạt động sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 thường mắc hội chứng chuyển hóa – một nhóm tình trạng sức khỏe làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, đái tháo đường, đột quỵ cũng như một số bệnh mạn tính khác.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ: Được thường chẩn đoán vào quý thứ hai hoặc thứ ba của thai kỳ, bệnh đái tháo đường thai kỳ gây ra lượng đường trong máu cao do thay đổi nội tiết tố khi mang thai. Tuy nhiên, tình trạng này thường thuyên giảm sau khi sinh em bé.
2. Cơ thể chuyển hóa đường như thế nào?
Cơ thể cần insulin để chuyển hóa đường, insulin giúp vận chuyển glucose vào các tế bào của cơ thể. Khi ăn thực phẩm có chứa carbohydrate, như các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, đậu, trái cây, rau và thực phẩm có đường, cơ thể sẽ phân hủy chúng thành glucose (hay còn gọi là đường). Sau đó, tuyến tụy sản xuất insulin để di chuyển đường từ máu vào tế bào để sử dụng làm năng lượng.
Thực phẩm được coi là đường đơn như đường mía, nước ép trái cây, mật ong… được chuyển hóa nhanh hơn các nguồn carbohydrate phức tạp hơn, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu. Những thực phẩm này có thể gây ra sự bài tiết insulin đột ngột.
Insulin cũng giúp cơ thể dự trữ đường dưới dạng glycogen. Glycogen được lưu trữ ở gan và cơ nhưng lượng dự trữ có hạn. Khi một người ăn quá nhiều carbohydrate mà không thể dự trữ trong gan hoặc cơ để sử dụng sau này, insulin có thể hỗ trợ lưu trữ chúng dưới dạng chất béo (như chất béo trung tính).
3. Ăn đường có làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường không?
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nam giới không nên ăn quá 9 thìa cà phê (hoặc 36 g, hoặc 150 calo) đường bổ sung mỗi ngày, phụ nữ không nên ăn nhiều hơn sáu thìa cà phê (tương đương 25 g, hoặc 100 calo) mỗi ngày.
Bệnh đái tháo đường type 2 bị ảnh hưởng bởi lượng đường ăn vào trong chế độ ăn uống. Đường trong chế độ ăn uống tác động đến lượng đường trong máu, do đó, việc tăng lượng đường ăn vào có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, chỉ ăn đường thôi thì chưa đủ để gây ra bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, cách cơ thể tạo ra và sử dụng insulin góp phần vào nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ lưu ý rằng mặc dù ăn đường không trực tiếp gây ra bệnh đái tháo đường nhưng chế độ ăn giàu đường bổ sung, chất béo bão hòa và lượng năng lượng dư thừa có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường. Chế độ ăn nhiều đường cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và hội chứng chuyển hóa.
Theo các bác sĩ nội tiết, để tránh bệnh đái tháo đường type 2, điều tốt nhất nên làm là giữ cân nặng ở mức bình thường và ăn một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
Về dinh dưỡng, phải duy trì cân bằng hợp lý và theo dõi lượng carbohydrate nạp vào. Việc thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp bạn giảm cân và giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, nên thực hiện những điều sau đây:
- Giảm cân nếu thừa cân hay béo phì: Chỉ cần giảm cân 5 hoặc 10% có thể tạo ra sự khác biệt lớn về nguy cơ bệnh đái tháo đường và sức khỏe tổng thể.
- Tránh thực phẩm có nhiều đường và carbohydrate tinh chế. Thay vào đó, hãy ưu tiên các loại trái cây và rau quả không chứa tinh bột, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và nhiều nước.
- Luyện tập thể dục đều đặn.
- Không hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn 30–40% so với những người không hút thuốc.
- Kiểm tra khẩu phần ăn: Hãy chú ý đến lượng thức ăn tiêu thụ trong mỗi bữa ăn.