Biến chứng bàn chân đái tháo đường là hậu quả của nhiều tổn thương phức tạp khác nhau của bệnh đái tháo đường như: tổn thương thần kinh, tắc mạch, nhiễm trùng…
Một số vấn đề thường gặp với chân đái đường
Do tổn thương thần kinh ngoại biên và giảm tưới máu do xơ vữa mạch. Bàn chân bệnh nhân đái tháo đường rất dễ bị tổn thương, viêm nhiễm như:
Nấm da chân
Khi đường huyết tăng cao không kiểm soát, cơ thể bị suy giảm miễn dịch và dễ bị nhiễm nấm. Đặc biệt là ở vị trí tiếp xúc với nơi ẩm ướt. Nền đất bẩn thường xuyên như bàn chân. Nấm da chân, kẽ chân làm cho da chân bị đỏ, ngứa và nứt da. Vi khuẩn có thể theo những kẽ nứt này xâm nhập xuống vùng mô bên dưới và gây nên bội nhiễm.
Nấm móng
Móng chân, tay bị nhiễm nấm thường bị thay đổi màu sắc móng (chuyển sang màu vàng nâu hoặc trắng đục). Móng dày sừng, dễ gẫy và bị tách ra khỏi giường móng, một vài trường hợp móng bở và bể vụn. Khi mang giày bít tất thường xuyên, môi trường bên trong giày nóng ẩm, tối là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Điều trị nấm móng khá khó khăn và thời gian điều trị có thể lâu hơn nấm da.
Vết chai
Những vết chai ở vùng lòng bàn chân xuất hiện trên người đái tháo đường là hậu quả của việc thay đổi vị trí chịu áp lực và tì đè khi cấu trúc bàn chân bị thay đổi. Lâu ngày vi khuẩn có thể xâm nhập vào những tổn thương da vi thể xung quanh các vết chai làm vùng da nhiễm trùng, chảy mủ.
Nổi phỏng nước
Chân bị phỏng nước khi người bệnh đi giày, dép cứng, kích thước không phù hợp nên cọ xát vào vùng da chân gây phỏng nước. Phỏng nước nếu không được giữ sạch sẽ, bảo vệ thì nguy cơ cao gây loét và nhiễm trùng.
Ngón chân vẹo ngoài
Tật ngón chân vẹo ngoài xảy ra khi ngón chân cái bị vẹo về phía ngón chân trỏ tạo một mỏm xương nhô ra tại ngón chân cái. Tật này có thể là bẩm sinh hoặc do sinh hoạt gây ra (mang giày cao gót có phần mũi giày quá chật). Khi bị tật này, áp lực bàn chân bị thay đổi và dồn vào ngón chân cái khiến ngón cái bị sưng, đau, tấy đỏ.
Da khô
Đây không chỉ là một trong những biến chứng thần kinh tự chủ của đái tháo đường mà còn là hậu quả của viêm tắc động mạch chi dưới, gây khô da vùng thân dưới. Da khô nứt nẻ làm vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào mô dưới da gây nhiễm trùng. Bạn có thể thoa kem dưỡng ẩm hoặc vaseline vào vùng da khô để ngừa nứt da.
Loét da
Loét da có thể xảy ra tại các điểm tì đè, các vết chai tại lòng bàn chân tạo thành lỗ đáo. Loét da trên người đái tháo đường thường lâu lành. Điều trị bao gồm kháng sinh (nếu có nhiễm trùng), gọt bớt vùng da chai . Và phòng ngừa loét tái phát bằng các loại giày dép đặc biệt giảm bớt áp lực vùng bị loét.
Ngón chân hình búa
Tật ngón chân hình búa xảy ra khi các cơ gian cốt phần mu bàn chân bị teo làm co rút các gân duỗi ngón vùng mu chân. Khi đó đầu các ngón chân sẽ bị quặm xuống đất và lâu ngày bị loét. Chỗ tì đè đầu các ngón chân và xương đốt bàn cọ xát thường xuyên với giày có thể bị loét, nổi bóng nước hoặc chai.
Bàn chân Charcot
Tật bàn chân Charcot hay còn gọi là bàn chân bẹt xảy ra khi lòng bàn chân bị mất độ cong vòm sinh lý, lòng bàn chân trở nên phẳng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tật bàn chân Charcot; trong bệnh lý đái tháo đường, các quá trình viêm tiến triển khi đường huyết cao gây ra rối loạn chu chuyển xương, tạo nên các vi đứt gãy xương gan chân và lâu ngày làm sụp vòm.
Lời khuyên về chăm sóc bàn chân đái tháo đường
Chăm sóc bản thân và bệnh tiểu đường. Làm theo lời khuyên của bác sĩ về dinh dưỡng, tập thể dục và thuốc. Giữ mức đường trong máu của bạn trong phạm vi theo chỉ định của bác sĩ.
Rửa chân bằng nước ấm mỗi ngày với xà phòng nhẹ.
Kiểm tra bàn chân của bạn mỗi ngày để xem vết loét, mụn nước, đỏ, vết chai hoặc bất kỳ vấn đề nào khác.
Nếu da trên bàn chân bị khô, hãy giữ ẩm bằng cách thoa kem dưỡng da sau khi bạn rửa. Và lau khô chân. Không thoa kem dưỡng da giữa các ngón chân.
Nhẹ nhàng làm mềm vết chai bằng một tấm đá nhám hoặc đá bọt sau khi tắm. Kiểm tra móng chân một lần một tuần.
Luôn mang giày kín và đi dép trong nhà. Không đi dép quai hậu hoặc chân trần trong và ngoài nhà.
Luôn mang tất. Mang vớ hoặc tất vừa vặn với bàn chân và có độ đàn hồi co dãn.
Mang giày đúng cỡ.
Bảo vệ bàn chân khỏi nóng và lạnh.
Đảm bảo máu chảy đến chân. Khi ngồi trên ghế, người bệnh tiểu đường nên thường xuyên di chuyển ngón chân và mắt cá chân nhiều lần trong ngày. Và không ngồi bắt chéo chân trong một thời gian dài.
Bỏ thuốc lá. Hút thuốc lá có thể làm cho vấn đề vể lưu lượng máu trở nên tồi tệ hơn.
Nếu bạn có vấn đề về chân trở nên tồi tệ hơn hoặc không lành, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn.