Theo lời khuyên từ các chuyên gia, bác sĩ trong ngày hội phòng chống đái tháo đường được tổ chức bởi Hội Y Tế Công Cộng TP.HCM phối hợp cùng Sở Văn Hoá – Thể Thao TP.HCM và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ thì duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn phòng tránh được đến 70% nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường tuýp 2 và có cuộc sống vui khỏe.
Đái tháo đường hiện là một trong những căn bệnh mạn tính phổ biến nhất trên toàn thế giới, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê, cứ 24 giờ lại có 3.600 bệnh nhân Đái tháo đường mới được chẩn đoán; cứ 6 giây lại có một người chết vì bệnh Đái tháo đường và cứ 20 giây lại có một người phải đoạn chi vì căn bệnh này. Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y Tế, hiện có hơn 5 triệu người mắc bệnh, con số này được dự đoán còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Mặc dù hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi bệnh Đái tháo đường nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng tránh được căn bệnh này. Bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu, nước tiểu để phát hiện bệnh sớm thì duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn phòng tránh được đến 70% nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường típ 2 và có cuộc sống vui khỏe. Ngoài ra, khi chẳng may mắc Đái tháo đường, nếu được chữa trị tốt và các bệnh nhân chịu thay đổi chế độ ăn uống, hoạt động thích hợp thì họ có cơ hội sống thọ như những người khỏe mạnh bình thường.
Trong đó, việc tập thể dục với bệnh nhân đái tháo đường rất cần thiết. Ngoài những lợi ích chung như giảm nguy cơ tim mạch, giảm cân, kiểm soát đường huyết… việc tập luyện thường xuyên rất có ý nghĩa với người bệnh. Bởi sẽ giúp làm giảm nồng độ insulin nền và sau ăn; cải thiện sự nhạy cảm insulin. Việc tập luyện giúp cải thiện tăng huyết áp nhẹ hoặc trung bình, tăng sử dụng năng lượng, sức cơ và độ dẻo dai. Riêng với những người có nguy cơ cao đái tháo đường tuýp 2, việc tập luyện có thể ngăn ngừa nguy cơ này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Y tế, mỗi bệnh nhân có khả năng vận động khác nhau, tùy tình trạng bệnh lý, sự thích nghi, trạng thái cơ thể mà có thể lựa chọn môn thể dục phù hợp, hoặc đi bộ, tập aerobic… Vì thế chương trình luyện tập nên bắt đầu chậm và tăng từ từ, lựa chọn bài tập nên dựa vào sở thích/khả năng/động lực của bệnh nhân.
Có 3 nhóm bài tập để các bệnh nhân đái tháo đường có thể lựa chọn và thay đổi.
Nhóm thứ 1: Đầu tiên là bài tập thể lực như: đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, học nhảy… giúp người bệnh tuần hoàn máu, hỗ trợ tim và xương, giảm stress. Người bệnh tập ít nhất 5 ngày/ tuần và 30 phút/ lần với cường độ vừa phải, có thể chia thành từng bài nhỏ.
Nhóm thứ 2 là những bài tập cơ bắp giúp giảm glucose máu, hỗ trợ xương khớp, cải thiện insulin như: tập tạ, hít đất… Bệnh nhân cần duy trì luyện tập 2 ngày/ tuần, với cường độ vừa phải.
Nhóm thứ 3 là các bài tập co giãn giúp tăng độ linh hoạt ở các khớp, tránh tình trạng chấn thương khi tập như: Yoga, thái cực quyền, khởi động căn bản. Các bài tập này nên kéo dài 5 – 10 phút trước và sau khi luyện tập. Người bệnh nên luyện tập chậm rãi, co giãn vừa phải và cần phải dừng lại nếu thấy đau.
Trong số này, những bệnh nhân đái tháo đường có bệnh thần kinh ngoại biên lại nên chọn các hoạt động không mang trọng lực như bơi lội, chạy xe đạp, tập tại ghế, tập tay… để giảm cảm giác đau và ngưỡng đau cao hơn có thể dẫn đến nguy cơ tổn thương da và nhiễm trùng. Với người đái tháo đường mang biến chứng, bệnh nhân cần chống chỉ định các hình thức luyện tập gắng sức. Với bệnh nhân kèm theo bệnh lý võng mạc đái tháo đường thì cần tránh các hoạt động làm tăng huyết áp như cử tạ, tránh các bài tập gắng sức hoặc kéo dài.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo để đảm bảo, trước khi bước vào tập luyện, người đái tháo đường cần được kiểm tra về bệnh lý tim mạch; bệnh mạch máu ngoại biên; khám chân (bao gồm sự lành lặn và biến dạng); bệnh lý thần kinh; bệnh lý võng mạc… Trên cơ sở kiểm tra này bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân lựa chọn bài tập, cường độ tập phù hợp.
(Nguồn: dantri.vn)