Lượng đường trong máu tăng cao có nguy có gây tổn thương gân bằng cách khiên bộ phận này phồng lên, từ đó tỷ lệ rách gân cũng tăng nhanh chóng. Vậy bệnh tiểu đường gây tổn thương gân như thế nào? cách phòng ngừa ra sao?
Mối liên hệ bệnh tiểu đường và tổn thương gân
Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường và cảm thấy đau khi di chuyển, gân có khả năng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ căn bệnh này.
Gân là bộ phận chịu trách nhiệm làm “cầu nối” giữa cơ và xương, phân bố trên khắp cơ thể. Chẳng hạn như: Vai, cánh tay, cổ tay, hông, đầu gối, mắt cá chân,… Công việc của gân là chuyển đổi lực từ cơ bắp đến xương, giúp cơ thể dễ dàng di chuyển.
Lượng đường trong máu tăng cao dễ dàng gây rắc rối cho sức khỏe của bộ phận này. Nếu bạn không kiểm soát tốt tình trạng đái tháo đường, gân có nguy cơ phồng lên và dễ rách.
Bệnh tiểu đường gây tổn thương gân như thế nào?
Tổn thương gân ở bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 phát sinh bởi các sản phẩm glycat hóa bền vững (AGEs). Đây là thành phẩm glycat hóa của protein hoặc chất béo sau khi tiếp xúc với đường trong máu.
Thông thường, tốc độ sản xuất các sản phẩm glycat hóa bền vững tương đối chậm và ổn định. Tuy nhiên, trong trường hợp tiểu đường, quá trình sản sinh sẽ được đẩy nhanh do lượng đường trong máu tăng cao, gây tổn thương gân.
Thành phần chính cấu tạo nên gân là collagen. Các sản phẩm glycat hóa bền vững có thể tạo liên kết với phân tử collagen, từ đó làm thay đổi cấu trúc của gân và cản trở phạm vi hoạt động của bộ phận này. Chẳng hạn như, lúc này gân có thể bị “thổi phồng” và không còn khả năng góp phần nâng đỡ trọng lượng cơ thể như bình thường. Từ đó, tỷ lệ rách gân cũng sẽ tăng lên.
Một số triệu chứng về gân mà bệnh tiểu đường có thể gây
Tình trạng tiểu đường kéo dài rất có thể gây ra nhiều vấn đề về gân, bao gồm:
Căng cứng vai: Vai đau và căng cứng xảy ra khi bộ phận bao quanh gân và dây chằng trong khớp bị phồng lên.
Rách cơ rotator cuff: Phần gân và bốn nhóm cơ bao bọc khớp xương vai chịu tổn thương..
Ngón tay bóp cò: Vấn đề này đề cập đến tình trạng ngón tay gặp trở ngại khi duỗi thẳng, bao gồm không thể duỗi tự nhiên hoặc cảm giác đau đớn khi cố gắng duỗi ngón tay.
Hội chứng ống cổ tay: Khi dây thần kinh ở cổ tay bị chèn ép, bạn sẽ cảm thấy tê hoặc ngứa ở khu vực này, thậm chí là ở cả những ngón tay..
Co thắt Dupuytren: Lớp mô dưới da ngón tay hoặc lòng bàn tay hình thành nên những nốt sần, khiến các ngón tay mắc kẹt.
Tổn thương gân đem lại cảm giác đau đớn và có thể gây cản trở cho phạm vi chuyển động của khớp. Kể cả sau khi điều trị bằng phẫu thuật, gân vẫn có khả năng rách thêm lần nữa. Theo kết quả từ một số nghiên cứu, hơn 1/3 số người mắc bệnh đái tháo đường đã phải mổ để điều trị rách cơ rotator cuff gặp lại tình trạng này trong thời gian ngắn.
Một trong những biện pháp kiểm soát tốt vấn đề đái tháo đường là tập luyện thể dục thể thao
Làm thế nào để phòng ngừa và điều trị tổn thương gân?
Một trong những biện pháp tốt nhất để tránh các vấn đề về gân là kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả. Bạn có thể hạ lượng đường trong máu bằng:
- Chế độ ăn uống hợp lý
- Chăm chỉ rèn luyện thể chất
- Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ
- Ngoài ra, nếu bạn béo phì, hãy cố gắng giảm cân. Điều này không chỉ cải thiện sức khỏe của bạn, mà còn giảm bớt áp lực lên gân.
Nếu bạn đã bị tổn thương gân, hãy hỏi bác sĩ về các phương pháp điều trị như:
- Thuốc giảm đau (aspirin, ibuprofen…)
- Thuốc giãn cơ
- Các bài tập vật lý trị liệu
- Túi chườm nóng và lạnh
- Nẹp, để giữ cho khớp của bạn ổn định trong khi gân phục hồi
Bác sĩ cũng có thể đề nghị tiêm steroid vào khớp nhằm giảm bớt các vấn đề về gân. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng steroid có thể gây tăng lượng đường huyết trong thời gian ngắn. Vì vậy, bạn nên cân nhắc lợi ích từ biện pháp này so với tác dụng phụ nó có thể gây ra trước khi quyết định.