Bệnh nhân tiểu đường type 2 hoàn toàn có thể uống sữa tươi như bình thường với sự kiểm soát nghiêm ngặt và phải phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Nếu uống sữa tươi đúng cách, bạn vẫn có thể nhận được những lợi ích tuyệt vời từ thực phẩm này. Vậy những lưu ý của người bệnh tiểu đường type 2 khi uống sữa tươi.
Sữa tươi nào tốt nhất với người bệnh tiểu đường?
Câu trả lời cho “sữa tươi nào tốt nhất với người bệnh tiểu đường” còn tùy thuộc vào nhu cầu carb ở mỗi cá nhân. Sữa tươi có rất nhiều loại và việc lựa chọn uống loại sữa gì sẽ nằm ở sở thích của mỗi người, phần còn lại sẽ dựa trên việc lựa chọn thực phẩm và tổng lượng carb tiêu thụ trong ngày.
Lấy ví dụ, để dùng thêm một hộp sữa tươi không đường thì bạn buộc phải cắt bớt khẩu phần ăn trong ngày để cân đối nhu cầu carb. Cách tốt nhất là bạn nên chia nhỏ cữ ăn, chọn uống sữa vào các bữa phụ song song kết hợp với việc đo đường huyết thường xuyên để điều chỉnh khẩu phần cho phù hợp.
Việc tính toán lượng carb sẽ đơn giản hơn nếu đấy là những sản phẩm sữa tươi có nhãn dinh dưỡng. Thông qua đó, bạn có thể nắm bắt rõ lượng carb có trong mỗi loại kèm theo những thông tin khác như loại chất béo, lượng đường có trong sữa…
Lời khuyên là bạn nên tránh xa các loại sữa tươi có đường, không nên chọn sữa có nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa không tốt cho sức khỏe tim mạch. Thay vào đó, bạn nên dùng sản phẩm chứa chất béo không bão hòa đơn hoặc đa thành phần để hạn chế hấp thu cholesterol xấu (LDL).
Gợi ý một số loại sữa tươi và giá trị dinh dưỡng có trong mỗi loại
Nhìn chung, người bệnh tiểu đường nên uống khoảng 1–2 cốc sữa mỗi ngày. Có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau mà bạn có thể tham khảo sau đây:
Sữa tươi nguyên chất
- Lượng calo: 149
- Chất béo: 8g
- Carbohydrate: 12g
- Chất xơ: 0
- Protein: 8g
- Canxi: 276mg
Sữa tách béo
- Lượng calo: 91
- Chất béo: 0,61g
- Carbohydrate: 12g
- Chất xơ: 0
- Protein: 9g
- Canxi: 316mg
Sữa hạnh nhân không đường
- Lượng calo: 39
- Chất béo: 2,88g
- Carbohydrate: 1,52g
- Chất xơ: 0,5–1g
- Protein: 1,55g
- Canxi: 516mg
Sữa đậu nành không đường
- Lượng calo: 79
- Chất béo: 4,01g
- Carbohydrate: 4,01g
- Chất xơ: 1g
- Protein: 7g
- Canxi: 300mg
Sữa hạt lanh không đường
• Lượng calo: 24
• Chất béo: 2,50g
• Carbohydrate: 1,02g
• Chất xơ: 0
• Protein: 0g
• Canxi: 300mg
Sữa gạo không đường
• Lượng calo: 113
• Chất béo: 2.33g
• Carbohydrate: 22g
• Chất xơ: 0,7g
• Protein: 0,67g
• Canxi: 283mg
Những trường hợp nào không nên uống sữa tươi khi mắc bệnh tiểu đường type 2?
Mặc dù là nguồn bổ sung dinh dưỡng tốt cho cơ thể, nhất là vitamin D, nhưng vẫn có một số lý do khách quan khiến bạn không thể dùng được sữa tươi. Cụ thể là:
Dị ứng với sữa
Có khoảng 0,1–0,5% người trưởng thành bị dị ứng với sữa.
Hội chứng không dung nạp đường sữa (Lactose intolerance)
Người gặp phải tình trạng này thường không thể tiêu hóa hoàn toàn đường lactose có trong sữa. Hệ quả là họ dễ bị tiêu chảy và đầy hơi ngay sau đó. Nguyên nhân phổ biến gây ra vấn đề này là do sự thiếu hụt lactase – một enzyme được sản xuất trong ruột non dẫn đến cơ thể không dung nạp lactose.
Tăng tính thấm thành ruột
Một khi niêm mạc ruột bị tổn thương, các mối nối chặt chẽ giữa thành ruột và dòng máu không còn khả năng ngăn protein, vi khuẩn hoặc một phần của vi khuẩn rò rỉ vào trong máu. Kết quả là những tác nhân này kích hoạt hệ miễn dịch làm việc quá mức.
Một phần hệ miễn dịch lúc này cũng có khả năng đáp ứng với chất gây dị ứng có trong sữa như alpha-casein, beta-casein, butyrophilin và casomorphin. Vì lý do này mà người bị tổn thương niêm mạc ruột sẽ gặp các triệu chứng như đầy hơi, tiêu chảy và ợ nóng nếu họ uống sữa tươi.
Cơ thể không dung nạp gluten
Gluten là một protein có nhiều trong lúa mì, lúa mạch đen. Theo đó, những người không dung nạp chất này thường có biểu hiện ợ nóng, đầy hơi hoặc đau khớp khi tiêu thụ các thực phẩm trên. Người mắc tình trạng này cũng không thể uống sữa tươi do gluten làm tăng tính thấm thành ruột.
Quá tải vi khuẩn đường ruột
Đúng như tên gọi, sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích (IBS). Người mắc bệnh này có thể gặp một số vấn đề đường tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng do vi khuẩn tại ruột non phân hủy và lên men đường trong sữa.
Trên đây là những thông tin về vấn đề uống sữa tươi ở người bệnh tiểu đường type 2. Bên cạnh thức uống này, bạn cũng nên quan tâm nhiều đến chế độ ăn của mình nhằm đảm bảo giữ mức đường huyết luôn ổn định.