Biến chứng bệnh tiểu đường cấp tính là những biến chứng xảy ra đột ngột trong thời ngắn và rất dễ tử vong nếu không được xử trí hay cấp cứu kịp thời.
Các biến chứng tiểu đường cấp tính
Biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường xảy ra đột ngột trong thời ngắn, và rất dễ tử vong, đòi hỏi bệnh nhân phải được đưa đến cấp cứu tại các cơ sở y tế ngay lập tức. Bao gồm cả ba đặc trưng về sinh hóa: tăng đường huyết, nhiễm ceton máu và tình trạng hạ đường huyết.
Hôn mê do nhiễm toan ceton (thường găp)
Nguyên nhân
Nhiễm toan ceton: là tình trạng nhiễm độc do máu bị toan hóa, vì tăng nồng độ axit, đây là sản phẩm của những chuyển hóa dở dang do thiếu insulin gây ra. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Đối với bệnh nhân bị tiểu đường tuyp 1, insulin là thuốc điều trị bắt buộc và không thể thiếu.
Khi insulin thiếu, glucose không vào được tế bào để tham gia chu trình chuyển hóa, cuối cùng dẫn đến acetyl coA (sản phẩm của quá trình thoái biến từ acid béo) ko thể đi vào chu trình Krebs được mà phải chuyển thành ceton, khiến nồng độ ceton tăng cao trong máu.
Triệu chứng
- Mệt mỏi, nhìn mờ, ý thức mơ màng;
- Buồn nôn, nôn ói, đau bụng;
- Khát nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều;
- Sụt cân;
- Glucose máu > 13,9 mmol/L (> 250 mg/dL) khi đo bằng máy đo đường huyết cá nhân;
- Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp;
- Có dấu hiệu mất nước: Môi khô, lưỡi khô, da khô nặng;
- Nhịp thở có 4 thì: Hít vào – ngừng thở – thở ra – ngừng thở, hơi thở có mùi ceton (mùi táo chín). Mùi ceton xuất hiện do tình trạng thái bỏ sản phẩm aceton có nguồn gốc từ acetoacetat qua phổi;
- Thân nhiệt thường giảm nhẹ do tình trạng giãn tĩnh mạch ngoài da. Đây là một biểu hiện của tiên lượng xấu.
Cách xử lý
Khi đó phải ngay lập tức cấp cứu tại một cơ sở y tế chuyên khoa, điều trị bằng cách truyền tĩnh mạch bù nước, và điện giải, đồng thời tiêm insulin. Nếu được cấp cứu kịp thời, đường huyết sẽ nhanh chóng ổn định, bệnh nhân có thể phục hồi khá tốt. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể nhanh chóng đi vào hôn mê, thậm chí tử vong. Trong trường hợp nhiễm toan ceton do các bệnh nhiễm trùng, sử dụng thêm thuốc kháng sinh.
Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu (tăng đường huyết)
Nguyên nhân
- Hôn mê TALTT gặp ở người bệnh tiểu đường tuýp 2, kèm theo các tình trạng bệnh lý làm giảm khả năng uống nước. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Nhiễm khuẩn là nguyên nhân hay gặp nhất chiếm 57,1%. Phổ biến nhất là viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết.
- Không tuân thủ chế độ điều trị tiểu đường (hay đái tháo đường).
- Bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán, thường bị hôn mê tăng TALTT vì không phát hiện được các triệu chứng sớm của bệnh.
- Các bệnh lý kèm theo: tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim cấp, tăng hoặc giảm thân nhiệt, huyết khối mạc treo…
- Dùng thuốc lợi tiểu, Corticoid, uống rượu.
Triệu chứng
– Rối loạn ý thức các mức độ khác nhau từ lơ mơ đến hôn mê sâu.
– Dấu hiệu mất nước nặng: da khô, nếp véo da mất đi chậm, tĩnh mạch cổ xẹp, mạch nhanh, huyết áp tụt, nước tiểu ít …
– Các biểu hiện lâm sàng của các nguyên nhân thuận lợi: (nhiễm khuẩn, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim..).
– Tăng đường huyết thường > 40 mmol/l.
– Áp lực thẩm thấu máu > 320mOsm/l.
– Khí máu động mạch: pH > 7,3, bicarbonat > 15mmol/l.
– Không có Ceton niệu hoặc rất ít.
– Natri máu thường tăng > 145mmol/l.
Giống như hôn mê do nhiễm toan ceton, hôn mê thẩm thấu là tình trạng cấp tính. Cần lập tức điều trị ngay với truyền dịch tĩnh mạch và insulin.
Biến chứng tiểu đường hạ đường huyết
Hạ đường huyết là lượng đường trong máu thấp bất thường dưới 70 mg/dl (3,9 mmol/l).
Nguyên nhân có thể là dùng quá liều thuốc hạ đường huyết, ăn uống kiêng khem quá mức. Không ăn nhưng vẫn dùng thuốc, tập luyện quá sức hay uống quá nhiều rượu
Các triệu chứng hay gặp là toàn thân mệt mỏi, vã mồ hôi, run, lo âu, mờ mắt, nhức đầu, thay đổi hành vi, dễ bị kích thích, giảm khả năng chú ý, ngủ gà. Nếu không điều trị, lượng đường trong máu thấp có thể dẫn đến hôn mê, co giật. Và trong trường hợp xấu, gây chết não dẫn đến tử vong, thường xảy ra khi đường huyết < 40 mg/dl.
Trong một số trường hợp các triệu chứng có thể xảy ra ở mức đường máu cao hơn hoặc thấp hơn, thậm chí không có triệu chứng hạ đường huyết.
Đặc biệt lưu ý ở những bệnh nhân lớn tuổi thường có nhiều bệnh lý khác kèm theo như tim mạch, bệnh lý thần kinh, chức năng thận và chức năng gan bị suy giảm nên các biến chứng cấp tính xảy ra thường nặng và tỷ lệ tử vong cao hơn người trẻ.
Phòng ngừa biến chứng cấp tính
Người bệnh cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Dùng thuốc đúng liều, đúng giờ. Không nên vì quá nóng vội mà dùng thuốc quá liều hoặc tự ý đổi liều, sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn hay ngưng điều trị đột ngột.
Cần có chế độ ăn uống, vận động phù hợp. Nên ăn đúng giờ, hợp với chế độ dinh dưỡng dành riêng cho người ĐTĐ. Không nên hoạt động thể lực quá mức. Tránh uống nhiều rượu bia, chất kích thích. Đối với hạ đường huyết mức độ nhẹ, người bệnh hoàn toàn có thể tự điều trị bằng cách uống ngay 10-15g đường. Sau đó nghỉ ngơi trong khoảng 30 phút, tình trạng hạ đường huyết sẽ mất đi. Nếu không sử dụng đường có thể thay bằng vài viên kẹo, một cốc nước trái cây ngọt (200ml).
Nếu có dấu hiệu hôn mê cần nhanh chóng đưa vào bệnh viện, hay các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Các bác sĩ sẽ nhanh chóng dùng các biện pháp điều trị đảm bảo chức năng sống như đặt nội khí quản, cho thở máy, bổ sung dịch, truyền đường ưu trương (hạ đường) hoặc insulin (tăng đường), điều chỉnh điện giải…