Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường là một biến chứng nghiêm trọng và phổ biến của bệnh tiểu đường. Nếu bạn không có triệu chứng, bạn vẫn nên duy trì kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu để giữ nguy cơ tổn thương thần kinh càng thấp càng tốt.
Nguyên nhân biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường?
Biến chứng thần kinh tiểu đường hay còn gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường, là một biến chứng nghiêm trọng thường gặp nhất của bệnh tiểu đường. Tổn thương thần kinh trong bệnh tiểu đường, có thể gây hại một phần hay toàn bộ mạng lưới dây thần kinh theo nhiều cách khác nhau. Hơn 60% người bệnh tiểu đường sẽ gặp phải biến chứng thần kinh tại một số thời điểm.
Bệnh tiểu đường gây tổn thương thần kinh thông qua nhiều cách khác nhau, bao gồm cả thiệt hại trực tiếp do đường huyết tăng cao gây gián đoạn dẫn truyền thần kinh cho đến ảnh hưởng gián tiếp bởi hệ thống vi mạch (mạch máu nhỏ) nuôi dưỡng hệ thần kinh bị tổn hại.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thần kinh như thế nào?
Đường huyết cao có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh theo nhiều cách khác nhau. Trực tiếp làm tổn thương hoặc khiến quá trình giao tiếp giữa não bộ với các cơ quan bị gián đoạn. Dù theo cách nào, cơ chế chính dẫn đến những biến chứng này vẫn là quá trình mất cân bằng chuyển hóa chất đường – chất béo – chất đạm. Khiến lượng “rác thải” oxy hóa gây tổn thương thần kinh tăng cao.
Điều đáng báo động, có khoảng 50% người bệnh tiểu đường, đặc biệt là type 2 có biến chứng thần kinh ngay tại thời điểm chẩn đoán. Nguyên nhân là do tiểu đường type 2 thường phát hiện muộn khi thời gian ủ bệnh đã lên đến 7 – 10 năm. Khoảng thời gian đường huyết tăng này đủ để biến chứng thần kinh phát triển.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc biến chứng thần kinh tiểu đường như xơ vữa mạch máu. Ngoài ra do hút thuốc lá, sử dụng rượu quá nhiều. Và thiếu vitamin B12 do điều trị met-formin dài ngày,…
Phân loại và dấu hiệu biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường
Biến chứng thần kinh của bệnh được chia thành 4 loại chính. Mỗi loại có dấu hiệu nhận biết khác nhau, bao gồm:
Biến chứng thần kinh ngoại biên
Đây là tổn thương thần kinh thường gặp nhất ở người tiểu đường. Chủ yếu ảnh hưởng đến chân và tay. Triệu chứng biến chứng đa dạng từ nặng đến nhẹ:
- Tê, ngứa ran, châm chích hoặc nóng rát
- Không nhạy cảm với nóng, lạnh
- Đau nhói cơ hoặc chuột rút
Đặc biệt, triệu chứng xuất hiện thường xuyên hơn vào ban đêm.
Biến chứng thần kinh ngoại biên của bệnh tiểu đường có thể gây biến dạng bàn chân (bàn chân charcot). Nhưng phổ biến hơn, người bị biến chứng này rất dễ mắc kèm biến chứng loét bàn chân. Tê bì, nóng rát khiến người bệnh khó nhận biết vết thương. Chỉ phát hiện khi ở giai đoạn nặng loét, nhiễm trùng có nguy cơ cắt cụt.
Biến chứng thần kinh tự chủ
Đây là loại biến chứng thần kinh phổ biến thứ hai. Hệ thống thần kinh tự chủ chạy khắp cơ thể, chỉ huy những bộ phận mà ý thức chủ quan của con người không thể kiểm soát được như:
- Tiêu hóa: Biểu hiện là tình trạng táo lỏng đan xen, khó nuốt, khó tiêu, đầy bụng. Tình trạng chậm tiêu thường nặng dần, dẫn đến buồn nôn và nôn thường xuyên. Một số trường hợp nặng sẽ bị liệt dạ dày.
- Tình dục và bàng quang: Rối loạn cương dương, khô âm đạo, khó đạt cực khoái, đi tiểu không tự chủ là những ảnh hưởng nghiêm trọng và dễ thấy nhất.
- Tim mạch: Người bệnh bị nhịp tim nhanh khi nghỉ và dễ bị tụt huyết áp. Nguy hiểm nhất, bệnh thần kinh tự chủ khiến người bệnh khó cảm nhận được cơn đau ngực – dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim sớm.
Bệnh lý thần kinh đùi
Biến chứng này khá hiểm gặp, còn gọi là biến chứng thần kinh gốc, bệnh teo cơ tiểu đường. Bệnh thường xuất hiện ở nam giới bị tiểu đường tuýp 2 trên 50 tuổi mặc dù vẫn kiểm soát bệnh tốt. Biểu hiện phổ biến là đau một bên mông, đùi, hông một cách đột ngột và nặng. Đôi khi, họ không thể tự đứng lên vì cơ bị yếu.
Bệnh thần kinh khu trú
Còn gọi là bệnh đơn nhân, xảy ra khi có tổn thương ở một hoặc một nhóm dây thần kinh cụ thể. Bệnh gây ra đau đột ngột và nặng ở vùng bị ảnh hưởng. Thường xuyên nhất là ở cổ tay, sau đó đến đầu, thân hoặc chân. Các triệu chứng của bệnh gồm có: đau tê, ngứa ran ở ngón tay; không có khả năng tập trung; nhìn đôi, đau sau mắt. Đau ở các vùng bị cô lập (mặt trước của đùi, lưng dưới, vùng xương chậu, ngực, dạ dày, lòng bàn chân, ngón chân cái,…)
Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường thường diễn biến âm thầm. Ban đầu chỉ gây những khó chịu nhẹ như tê bì, nóng rát, đau âm ỉ. Nhưng nếu không ngăn chặn sớm, các triệu chứng sẽ nặng dần. Lúc này bệnh trở nên khó điều trị, thậm chí buộc người bệnh phải chấp nhận đoạn chi.
Cách phòng và cải thiện biến chứng thần kinh tiểu đường
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn bệnh thần kinh đái tháo đường cũng như các biến chứng thần kinh của nó. Theo đó, việc điều trị chủ yếu là kiểm soát tốt đường huyết giúp làm chậm diễn tiến bệnh. Ngoài ra, nếu biểu hiện quá khó chịu và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Người bệnh có chỉ định dùng thuốc giảm đau thần kinh cũng như điều trị theo triệu chứng, phục hồi chức năng.
Điều quan trọng nhất để phòng ngừa và cải thiện biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường là cân bằng lại được các rối loạn chuyển hóa. Trong đó cần bao gồm cả rối loạn chuyển hóa chất đường, chất đạm và chất béo. Để làm được điều này, bạn cần áp dụng nhiều giải pháp cùng lúc. Đó là:
Tập luyện đúng cách
Người có biến chứng thần kinh nên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng để hạn chế tạo áp lực lên bàn chân. Từ đó giảm nguy cơ tổn thương cho bàn chân. Những bài tập phù hợp là tập đạp xe đạp trên không, bơi lội, tập hít thở (nếu bị nhịp tim nhanh) thay vì đi bộ, chạy bộ.
Duy trì lối sống lành mạnh
Ngoài giúp ổn định đường huyết, lối sống lành mạnh còn giúp người bệnh giảm nhẹ một phần triệu chứng của biến chứng thần kinh. Người bệnh nên ăn nhạt, ăn ít tinh bột và chất béo, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia. Việc chia nhỏ bữa ăn sẽ rất tốt trong trường hợp có biến chứng trên hệ tiêu hóa như đầy trướng. Chậm tiêu hay táo lỏng thất thường.
Ngoài ra, nếu đang dùng Met-formin, bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B12 như rau màu xanh đậm. Các loại trái bơ, cá, hải sản… để phòng nguy cơ thiếu vitamin B12.
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Các thuốc điều trị như thuốc giảm đau, thuốc giảm nhịp tim, chất bôi trơn (với nữ giới) hay hormon (với nam giới)… có thể giúp bạn giảm bớt các triệu chứng của biến chứng thần kinh. Tuy nhiên, các thuốc này đều có tác dụng phụ và không giải quyết được tận gốc biến chứng. Vì vậy, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Học cách chăm sóc, massage bàn chân
Việc chăm sóc bàn chân hàng ngày không chỉ có ý nghĩa phòng biến chứng loét, nhiễm trùng. Nếu biết cách chăm sóc, triệu chứng tê bì, ngứa da của bạn cũng sẽ được giảm nhẹ.
Ngoài việc rửa chân sạch sẽ, đi tất và thăm khám chân. Mỗi tối bạn nên dành khoảng 10 phút để thoa kem dưỡng ẩm da (nếu có tình trạng khô da) và massage (nếu bị tê bì). Cách massage rất đơn giản, bạn chỉ cần lặp lại động tác vuốt dọc và xoay tròn tại lòng bàn chân và từ bàn chân lên bắp chân. Nếu có dầu nóng massage hoặc túi chườm ấm, bạn có thể kết hợp để tăng hiệu quả. Tuy nhiên lưu ý lau sạch dầu thừa sau khi xoa bóp để tránh tạo môi trường ẩm cho vi khuẩn phát triển.