Biến chứng tiểu đường ở chân là một trong các biến chứng mà bệnh tiểu đường gây ra. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi, tàn phế của bệnh nhân đái tháo đường.
Nguyên nhân dẫn đến biến chứng tiểu đường ở chân
Biến chứng bàn chân là hậu quả của nhiều tổn thương phức tạp khác nhau của bệnh đái tháo đường như: tổn thương thần kinh, tắc mạch, nhiễm trùng…
Đường trong máu cao của người bệnh không kiểm soát được gây ra bệnh thần kinh ngoại vi. Hoặc bị tê và mất cảm giác do tổn thương thần kinh. Những người bị bệnh thần kinh do tiểu đường không có cảm giác đau mãnh liệt như ở người không bị tổn thương thần kinh.
Nếu bạn không nhận biết được vết thương ngay lập tức thì vết thương có thể nằm ngoài kiểm soát. Có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng, phải cắt bỏ chân.
Máu có thể lưu thông kém ở chân tay của những người mắc tiểu đường. Làm chậm quá trình chữa lành các vết cắt hoặc vết thương. Các vết thương lâu lành có thể có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào vết thương hở và vết cắt.
Ảnh hưởng của biến chứng tiểu đường ở chân như sau:
Bệnh tiểu đường có thể gây ra hai vấn đề ảnh hưởng đến bàn chân như sau:
Bệnh thần kinh ngoại biên đái tháo đường
Rối loạn thần kinh ngoại biên không chỉ gây rối loạn thần kinh cảm giác mà còn gây rối loạn thần kinh dinh dưỡng.
Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện cảm giác nóng ran, bỏng rát… ở bàn chân. Sau một thời gian bệnh nhân sẽ xuất hiện cảm giác tê, đau và dần dần giảm và mất cảm giác bàn chân.
Bệnh nhân không còn cảm giác nóng lạnh, đau ở bàn chân. Bàn chân có thể bị teo cơ, biến dạng, thay đổi áp lực trên gang bàn chân khi đi lại, gây ra những vết chai do tì đè, loét lỗ đáo. Những thay đổi về cấu trúc bàn chân làm cho bàn chân dễ bị loét hơn. Mất cảm giác đau làm cho bệnh nhân không nhận biết được mình bị tổn thương ở bàn chân (do dị vật đâm vào, do bỏng, loét chi chân…). Gây nên nguy cơ nhiễm trùng bàn chân rất cao.
Bệnh nhân không chỉ nhiễm trùng phần mềm mà còn viêm xương, tiêu xương gây biến dạng bàn chân. Bệnh nhân chủ quan, mất cảm giác bàn chân nên khi ổ nhiễm trùng đã lan rộng, nguy cơ phải cắt cụt chi cao.
Bệnh động mạch ngoại biên
Người đái tháo đường có nguy cơ bị xơ vữa động mạch ở khắp cơ thể. Trong đó bệnh động mạch ngoại biên chi dưới khá thường gặp. Khi mạch máu bị xơ vữa, lòng mạch máu sẽ bị chít hẹp làm giảm tưới máu cho phần chi bên dưới. Do vậy, bệnh nhân vừa có tổn thương thần kinh vừa xơ vữa tắc hẹp động mạch chi dưới càng tăng. Bệnh nhân sẽ có nguy cơ viêm loét, nhiễm trùng, thậm chí hoại tử bàn chân.
Triệu chứng của biến chứng tiểu đường ở chân
Do tổn thương thần kinh ngoại biên và giảm tưới máu do xơ vữa mạch, bàn chân bệnh nhân rất dễ bị tổn thương, viêm nhiễm như:
Nấm da chân, nấm móng
Khi đường huyết tăng cao không kiểm soát, cơ thể bị suy giảm miễn dịch và dễ bị nhiễm nấm. Đặc biệt là ở vị trí tiếp xúc với nơi ẩm ướt, nền đất bẩn thường xuyên như bàn chân. Nấm da chân, kẽ chân làm cho da chân bị đỏ, ngứa và nứt da. Vi khuẩn có thể theo những kẽ nứt này xâm nhập xuống vùng mô bên dưới và gây nên bội nhiễm.
Nấm móng:
Móng chân, tay bị nhiễm nấm thường bị thay đổi màu sắc móng (chuyển sang màu vàng nâu hoặc trắng đục). Móng dày sừng, dễ gẫy và bị tách ra khỏi giường móng, một vài trường hợp móng bở và bể vụn. Khi mang giày bít tất thường xuyên, môi trường bên trong giày nóng ẩm, tối là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Điều trị nấm móng khá khó khăn và thời gian điều trị có thể lâu hơn nấm da.
Vết chai:
Vết chai ở vùng lòng bàn chân xuất hiện trên người bệnh sẽ thay đổi vị trí chịu áp lực và tì đè khi cấu trúc bàn chân bị thay đổi. Lâu ngày vi khuẩn có thể xâm nhập vào những tổn thương da vi thể xung quanh các vết chai làm vùng da nhiễm trùng, chảy mủ.
Về da:
Phỏng nước: Chân bị phỏng nước khi người bệnh đi giày, dép cứng, kích thước không phù hợp nên cọ xát vào vùng da chân gây phỏng nước. Phỏng nước nếu không được giữ sạch sẽ, bảo vệ thì nguy cơ cao gây loét và nhiễm trùng.
Da khô: Đây không chỉ là một trong những biến chứng thần kinh tự chủ của đái tháo đường. Là hậu quả của viêm tắc động mạch chi dưới, gây khô da vùng thân dưới. Da khô nứt nẻ làm vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào mô dưới da gây nhiễm trùng. Bạn có thể thoa kem dưỡng ẩm hoặc vaseline vào vùng da khô để ngừa nứt da.
Loét da: Loét da có thể xảy ra tại các điểm tì đè, các vết chai tại lòng bàn chân tạo thành lỗ đáo. Loét da trên người đái tháo đường thường lâu lành. Điều trị bao gồm kháng sinh (nếu có nhiễm trùng), gọt bớt vùng da chai. Phòng ngừa loét tái phát bằng các loại giày dép đặc biệt giảm bớt áp lực vùng bị loét.
Ngón chân và bàn chân:
Ngón chân vẹo ngoài: Khi ngón chân cái bị vẹo về phía ngón chân trỏ tạo một mỏm xương nhô ra tại ngón chân cái. Tật này có thể là bẩm sinh hoặc do sinh hoạt gây ra (mang giày cao gót có phần mũi giày quá chật). Khi bị tật này, áp lực bàn chân bị thay đổi và dồn vào ngón chân cái khiến ngón cái bị sưng, đau, tấy đỏ.
Ngón chân hình búa:
Tật ngón chân hình búa xảy ra khi các cơ gian cốt phần mu bàn chân bị teo làm co rút các gân duỗi ngón vùng mu chân. Khi đó đầu các ngón chân sẽ bị quặm xuống đất và lâu ngày bị loét. Chỗ tì đè đầu các ngón chân. Xương đốt bàn cọ xát thường xuyên với giày có thể bị loét, nổi bóng nước hoặc chai.
Bàn chân Charcot:
Là khi lòng bàn chân bị mất độ cong vòm sinh lý, lòng bàn chân trở nên phẳng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tật bàn chân Charcot. Trong bệnh lý tiểu đường, các quá trình viêm tiến triển khi đường huyết cao gây ra rối loạn chu chuyển xương. Tạo nên các vi đứt gãy xương gan chân và lâu ngày làm sụp vòm.
Cách chăm sóc và phòng biến chứng tiểu đường ở chân
Cắt móng chân theo đường ngang
Khi bị tiểu đường, móng chân của bạn sẽ dày và cứng hơn, thậm chí cong quặp vào phía trong khóe móng chân.
Để hạn chế nguy cơ này, bạn cần cắt móng theo đường ngang, không cắt sát vào phần thịt của ngón chân. Với phần cạnh hai bên móng, bạn phải dùng giũa để làm gọn móng chứ không được cắt. Thời điểm cắt móng chân tốt nhất là sau khi tắm vì lúc này móng khá mềm và dễ cắt.
Người tiểu đường không được tự ý xử lý các móng chân bị quặp. Bệnh nhân bắt buộc phải nhờ bác sĩ hoặc y tá hỗ trợ. Nếu bạn xử lý sai cách, vết thương sẽ sâu và nguy cơ bị nhiễm trùng rất cao.
Vệ sinh kỹ các kẽ ngón chân
Hầu hết người bệnh đều chỉ chú ý rửa trên bề mặt bàn chân mà không vệ sinh kỹ kẽ ngón chân. Điều này rất nguy hiểm vì đây là một trong các vị trí dễ bị loét nhất. Nếu kẽ ngón chân bị loét, nhiễm trùng có thể lan rộng sang toàn bộ các ngón chân xung quanh.
Khi rửa chân, bạn cần rửa cả vùng kẽ ngón chân và kiểm tra xem có vết thương hay dấu hiệu bất thường nào không. Sau khi rửa, bạn cần thấm khô bằng khăn sạch.
Nếu phải dùng thêm kem dưỡng ẩm, bạn không nên thoa vào vị trí các kẽ chân. Chỉ thoa trên bề mặt và lòng bàn chân.
Xử lý vết thương và vết loét
Bạn nên đi khám ngay khi có dấu hiệu chảy mủ, hoại tử hay sưng tấy
Nếu có vết thương hay vết loét ở bàn chân, bạn cần chăm sóc kỹ lưỡng để hạn chế loét, nhiễm trùng và tăng tốc độ làm lành vết thương.
• Đối với vết thương nhỏ, vết xước da chưa bị nhiễm trùng: không sưng, nóng, đỏ, đau, không chảy nước mủ.
– Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc povidine pha loãng. Povidine mua tại hiệu thuốc thường là loại đặc nồng độ 10%. Khi sử dụng, bạn nên pha loãng theo tỷ lệ 1/10. Ngoài ra, bạn cần tránh dùng oxy già vì có thể khiến vết thương tổn thương sâu hơn.
– Dùng bông sạch thấm khô nước.
– Thoa thuốc mỡ kháng sinh (nếu có).
– Băng lại bằng gạc mỡ, băng hydroclorid hoặc băng vết thương dạng xịt.
Bạn cần kiểm tra vết thương hàng ngày. Nếu vết thương sau 2 tuần chưa lành hoặc có mùi, chảy mủ, xuất hiện các mô hoại tử màu đen, sưng tấy, bạn cần đến ngay bệnh viện.
• Đối với vết loét và vết thương nhiễm trùng
Bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Bác sĩ sẽ căn cứ vào độ sâu rộng và mức độ nhiễm trùng của vết thương để kê kháng sinh phù hợp. Bạn tránh tự ý rắc bột kháng sinh lên vết loét hoặc đắp các loại lá theo truyền miệng. Điều này có thể khiến vết loét ăn sâu vào phía trong bàn chân, khiến việc điều trị khó khăn hơn.
Giảm áp lực lên bàn chân
Một trong những nguyên nhân dẫn đến biến chứng bàn chân ở bệnh tiểu đường là do việc giảm lượng máu nuôi dưỡng bàn chân. Để ngăn ngừa điều này, bạn cần:
- Sử dụng giày dép đế bằng.
- Không ngồi bắt chéo chân, không ngồi lâu một tư thế. Nếu phải di chuyển trên xe đường dài, thỉnh thoảng bạn nên đứng dậy đi lại, thay đổi tư thế ngồi hoặc cử động chân qua lại để máu lưu thông.
- Nếu đang có vết thương, vết loét tại bàn chân hoặc bàn chân bị biến dạng, bạn hãy đạp xe thay vì đi bộ. Đồng thời nên kê cao chân khi ngồi, nằm.
- Xoa bóp lòng bàn chân theo vòng tròn và dọc theo bắp chân, bắp đùi.
Sắp xếp không gian an toàn
Người tiểu đường, đặc biệt là người cao tuổi, rất hay thức giấc vào ban đêm để uống nước hoặc đi vệ sinh. Không gian an toàn, sắp xếp hợp lý sẽ tránh sảy ra va chạm khiến người bệnh bị trầy xước hay bầm tím. Vì vậy, bản thân người bệnh và gia đình nên bố trí đồ đạc trong nhà thông thoáng. Chọn các đồ đạc có cạnh bo tròn để giảm nguy cơ bị thương khi vô tình đụng phải.
Chọn giày dép phù hợp
Không phải loại giày nào cũng phù hợp với người tiểu đường. Hãy chọn giày đế bằng, có lỗ thoáng, có độ đàn hồi. Giày phải kín mũi như giày da mềm, giày thể thao thay vì giày cao gót. Nếu bàn chân của bạn bị biến dạng, bạn cần hỏi bác sĩ về loại giày thiết kế chuyên dụng cho trường hợp này.
Ngoài ra, bạn nên đi mua giày vào chiều tối. Với giày mới, những ngày đầu bạn chỉ nên đi khoảng 1 tiếng để làm quen sau đó tăng dần số giờ đi. Đặc biệt, cần kiểm tra bên trong giày xem có vật sắc nhọn gì không trước khi đi.
Mang tất ngay cả ở trong nhà
Điều này sẽ giúp bạn hạn chế tổn thương bàn chân. Tuy nhiên, khi chọn tất, bạn cần lưu ý các điều sau:
• Chọn tất cotton hoặc len mềm.
• Chọn tất trơn và không chọn tất hoa, tất thêu nổi.
• Chọn tất chiều dài vừa phải, không dùng tất dài đến đầu gối và bó chặt cổ chân.
Bạn nên thay tất mới mỗi ngày, tránh sử dụng đôi tất đã rách, không vá lại để sử dụng.
Nếu bạn có vấn đề về chân trở nên tồi tệ hơn hoặc không lành, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn.
Hãy chắc chắn rằng bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh tiểu đường kiểm tra bàn chân của bạn trong mỗi lần khám.
Một số biến chứng khác của bệnh tiểu đường
Biến chứng tiểu đường đến xương khớp
Biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường
Biến chứng tiểu đường suy thận