Các biến chứng tiểu đường ở mắt gây một loạt các tổn thương về thị lực, bao gồm: Bệnh võng mạc tiểu đường, phù hoàng điểm, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người tiểu đường. Biến chứng mắt có thể diễn ra ngay từ giai đoạn tiền tiểu đường, khi mức đường huyết đã cao hơn bình thường. Nếu phát hiện sớm từ giai đoạn này, bạn có 70% khả năng hồi phục.
Biến chứng tiểu đường ở mắt xảy ra khi nào?
Các tổn thương về mắt do tiểu đường gây ra không đột ngột gây mù lòa mà sẽ làm suy giảm và mất thị lực một cách từ từ. Đường huyết tăng cao đột ngột làm thay đổi lượng dịch lỏng và kích thước các mô mắt. Khiến thị lực của người bệnh giảm sút. Tình trạng này có thể được cải thiện khi người bệnh kiểm soát đường huyết về ngưỡng bình thường.
Nếu đường huyết của người bệnh luôn luôn cao trong suốt một thời gian dài. Hệ thống mạch máu nhỏ nuôi dưỡng cầu mắt người bệnh sẽ bị phá hủy và tổn thương vĩnh viễn. Hệ thống mạch máu nhỏ tổn thương làm rò rỉ máu và các chất trong máu. Gây sưng tấy mô mắt, xuất huyết tại tầng giữa mắt, dẫn đến mô sẹo, tạo ra áp lực cao nguy hiểm đến mắt.
Dấu hiệu nhận biết biến chứng mắt ở bệnh tiểu đường
Thông thường, các bệnh về mắt do biến chứng tiểu đường không có dấu hiệu nhận biết sớm. Người bệnh không cảm thấy đau, thị lực cũng không giảm sút trong giai đoạn đầu của bệnh, đặc biệt với bệnh lý võng mạc tiểu đường.
Khi những dấu hiệu sau xuất hiện, biến chứng mắt tiểu đường đã ở vào giai đoạn muộn:
- Thị lực giảm sút, tình trạng thay đổi mức độ thị lực xảy ra thường xuyên, hình ảnh nhìn thấy bị lượn sóng,
- Trong tầm nhìn xuất hiện những khoảng tối hoặc mất hẳn tầm nhìn.
- Màu sắc bị biến đổi.
- Tầm nhìn xuất hiện nhiều chấm đen di động, trôi nổi như ruồi muỗi bay.
- Tầm nhìn xuất hiện ánh chớp.
Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường trên, người bệnh cần đến gặp bác sĩ tư vấn ngay lập tức.
Nguyên nhân biến chứng ở mắt
Bất cứ người bệnh tiểu đường nào cũng có thể bị biến chứng mắt. Tuy nhiên người tiểu đường sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, nếu:
- Tình trạng đường huyết cao không được kiểm soát.
- Tình trạng cao huyết áp không được kiểm soát.
- Rối loạn mỡ máu
- Hút thuốc lá
- Tuổi cao
- Đang mang thai
Các loại biến chứng tiểu đường ở mắt
Biến chứng võng mạc tiểu đường
Thường phát triển trên những bệnh nhân tiểu đường type 1 hoặc type 2 và tiến triển qua nhiều năm. Có hai loại bệnh võng mạc đái tháo đường tiềm ẩn nguy cơ gây mất thị lực, đó là:
- Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh: là những mạch máu võng mạc bị tổn hại có thể trở nên tắc nghẽn hoặc biến dạng.
- Bệnh võng mạc tiểu đường giai đoạn tăng sinh là do sự phát triển của các mạch máu cấu trúc bất thường trên bề mặt của võng mạc.
Võng mạc là lớp lót trong cùng của cầu mắt. Chúng có nhiệm vụ đón nhận ánh sáng và truyền phát tín hiệu đến não bộ để não bộ giải mã. Nhờ đó bạn có thể nhìn thấy vạn vật xung quanh. Khi mắc bệnh tiểu đường, hệ thống vi mạch nuôi dưỡng võng mạc bị phá hủy, khiến võng mạc bị tổn thương.
Phù hoàng điểm
Võng mạc là một lớp mô mỏng nhạy cảm với ánh sáng nằm ở mặt sau của mắt. Phần trung tâm của võng mạc được gọi là hoàng điểm, cho phép tập trung thị lực để nhìn xa và gần. Bệnh hoàng điểm do tiểu đường là những thay đổi của bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến hoàng điểm.
Tiểu đường có thể khiến các mạch máu nhỏ ở khu vực này bị rò rỉ dịch hoặc chất béo. Phù hoàng điểm có nghĩa là rò rỉ dịch trong võng mạc. Rò rỉ này có thể không ảnh hưởng đến tầm nhìn lúc đầu, do đó bạn có thể không nhận thức được nó đang xảy ra. Việc rò rỉ có thể tiếp tục cho đến khi thị lực trung tâm trở nên kém đi.
Phù hoàng điểm thường phát triển ở những người mắc bệnh lý võng mạc tiểu đường.
Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp là một nhóm các bệnh về mắt có thể gây tổn thương thần kinh thị giác – hệ thống thần kinh kết nối não và mắt người bệnh. Người tiểu đường có nguy cơ bị tăng nhãn áp cao gấp đôi người bình thường.
Bệnh tăng nhãn áp có thể dẫn đến mất thị lực và mù lòa. Nếu điều trị sớm, bạn có thể thường xuyên bảo vệ đôi mắt khỏi bị mất thị lực nghiêm trọng.
Đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể là thủy tinh thể bị mờ làm suy yếu thị lực. Đục thủy tinh thể hình thành đi kèm bệnh tiểu đường thường xảy ra vì hàm lượng sorbitol dư thừa (một loại đường hình thành từ glucose). Tạo thành cặn trong thủy tinh thể. Nếu đục thủy tinh thể bắt đầu ảnh hưởng tầm nhìn của bạn, bạn có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ thủy tinh thể bị đục và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo.
Mặc dù ai cũng có thể bị đục thủy tinh thể, nếu bạn bị tiểu đường, bạn có thể gặp những vấn đề mắt này ở độ tuổi trẻ hơn.
Phương pháp điều trị biến chứng tiểu đường ở mắt
Dùng thuốc
Có thể được điều trị bằng thuốc chống VEGF. Loại thuốc này có khả năng hạn chế phát triển các tổn thương vi mạch mắt, ngăn rò rỉ máu và các chất trong máu, kiểm soát tình trạng phù điểm hoàng nhanh chóng.
Điều trị bằng laser
Điều trị bằng phương pháp laser, tạo ra các vết bỏng nhỏ xíu bên trong cầu mắt bằng một chùm tia sáng. Phương pháp này có thể xử lý các vi mạch tổn thương bị rò rỉ máu và các chất trong máu. Nó có thể cải thiện tác động tiêu cực của tiểu đường lên mắt. Có thể lấy lại thị lực đã giảm sút và ngăn ngừa nguy cơ mù lòa. Tuy nhiên, tác dụng của nó không cao bằng phương pháp sử dụng thuốc chống VEGF.
Lấy bỏ dịch thủy tinh
Lấy bỏ dịch thủy tinh là phương pháp loại bỏ toàn bộ máu, dịch thừa, và các mô sẹo tích tụ tại võng mạc. Từ đó, loại bỏ khả năng võng mạc bị bong ra khỏi các mô nâng đỡ phía bên dưới nó (như một miếng giấy dán tường bị bong ra khỏi bức tường). Võng mạc được bảo vệ an toàn giúp người bệnh phòng tránh nguy cơ mù lòa.
Phẫu thuật thay thủy tinh thể
Là phẫu thuật sẽ tháo thể thủy tinh mờ đục do tiểu đường và thay thế nó bằng một thể thủy tinh nhân tạo mới. Người bệnh tiểu đường sau khi phẫu thuật thay thủy tinh thể thị lực sẽ được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, mức độ cải thiện có thể khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào việc người đó có mắc các biến chứng mắt tiểu đường khác hay không.
Phương pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường biến chứng lên mắt
Nguy cơ mù lòa do biến chứng tiểu đường trên mắt có thể giảm nhiều lần nếu được phòng ngừa và điều trị sớm. Dưới đây là các giải pháp bạn nên áp dụng:
- Giữ cho chỉ số đường huyết khi đói < 7 mmol/l, HbA1c < 7%.
- Khám mắt ngay sau khi chẩn đoán bệnh tiểu đường và định kỳ kiểm tra 4 – 12 tháng/1 lần
- Kiểm soát huyết áp, mỡ máu, bỏ hút thuốc lá để giảm nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và xuất huyết võng mạc.
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh: chia nhỏ bữa ăn trong ngày, giảm tinh bột. Tăng cường rau củ quả màu xanh thẫm, vàng cam, giàu vitamin C (cam quýt, cà chua, súp lơ…), các loại đậu, cá biển…
- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày.