Bệnh tiểu đường được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì không có triệu chứng rõ rệt để cảnh giác. Cách phân loại các bệnh tiểu đường và triệu chứng như thế nào?
Cách phân loại các bệnh tiểu đường
Tiểu đường tuýp 1
Tiểu đường tuýp 1 là chứng bệnh tự miễn. Thay vì tấn công các yếu tố bên ngoài, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 tự tấn công các tế bào tuyến tụy, dẫn đến sự thiếu hụt insulin. Từ đó tăng lượng đường huyết. Các triệu chứng tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện khá sớm, phần lớn ở trẻ em và tuổi vị thành niên.
Cho tới nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của tiểu đường tuýp 1. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, yếu tố di truyền cũng như cách sinh hoạt có thể là “thủ phạm” chính gây tiểu đường tuýp 1. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ cao hơn nếu bạn thuộc nhóm sau:
- Mẹ hoặc anh chị em bị bệnh tiểu đường tuýp 1
- Tiếp xúc với một số virus gây bệnh
- Sự hiện diện của kháng thể bệnh tiểu đường
- Thiếu vitamin D, sử dụng sữa bò hoặc sữa bột có nguồn gốc từ sữa bò sớm. Và ăn các loại ngũ cốc trước 4 tháng tuổi cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Các nước như Phần Lan và Thụy Điển có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 khá cao
Tiểu đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2, còn gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin (NIDDM), là loại tiểu đường phổ biến nhất. Chiếm 90% đến 95% tổng số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, hiện nay càng phát hiện nhiều trường hợp bệnh ở tuổi vị thành niên và thanh niên. Do tỷ lệ béo phì ngày càng cao. Bạn có thể mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mà hoàn toàn không biết.
Với những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, các tế bào của bạn trở nên đề kháng insulin, làm tuyến tụy không thể tạo ra đủ lượng insulin. Thay vì di chuyển vào các tế bào để tạo ra năng lượng, đường sẽ tích tụ lại trong máu của bạn.
Không xác định được chính xác lý do, nhưng các chuyên gia tin rằng yếu tố di truyền và môi trường có liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2. Thừa cân hay béo phì là yếu tố nguy cơ chủ yếu cho sự phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, không phải tất cả những người bị tiểu đường tuýp 2 đều thừa cân.
Tiểu đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường xảy ra trong thời gian mang thai và “lặn mất tăm” sau khi sinh. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời.
Ngoài 3 loại tiểu đường thường gặp trên, một số loại tiểu đường hiếm gặp khác có nguyên nhân do di truyền, phẫu thuật, thuốc, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng hoặc khi mắc các bệnh khác.
Triệu chứng khi mắc bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường, dù tuýp 1, 2 hay tiểu đường thai kỳ cũng thường xuất hiện các triệu chứng sau:
- Có cảm giác cực kỳ khát, hay còn được gọi là chứng khát nhiều
- Đi tiểu nhiều lần, đôi khi đi thường xuyên mỗi giờ, còn gọi là chứng tiểu nhiều
- Bị sụt cân (thường xuất hiện ở những ai bị tiểu đường tuýp 1)
- Ngứa, đau hoặc tê ở tay/chân (thường xuất hiện ở những ai bị tiểu đường tuýp 2)
- Cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức
Bạn có thể có hoặc không có các triệu chứng khác như:
- Mờ mắt
- Nhiễm trùng âm đạo thường xuyên ở phụ nữ
- Nhiễm nấm men (nhiễm nấm candida)
- Khô miệng
- Chậm lành vết loét hoặc vết cắt
- Ngứa da, đặc biệt là ở bẹn hoặc khu vực âm đạo
Ngay khi nhận thấy những triệu chứng trên, bạn nên đến bệnh viện ngay để được thăm khám và điều trị bệnh kịp thời. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra bạn có bị tiểu đường hay không, bao gồm:
- Xét nghiệm Hb A1C
- Xét nghiệm FPG kiểm tra lượng đường huyết lúc đói
- Xét nghiệm OGTT, nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống
- Bạn sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm nếu nghi ngờ có dấu hiệu của bệnh tiểu đường
Lưu ý khi mắc bệnh tiểu đường
Khi mắc bệnh tiểu đường, bạn nên lưu ý những điều sau để phòng bệnh tốt hơn.
- Vận động hàng ngày, thời gian đi bộ khoảng 30 phút.
- Khám sức khỏe hàng năm để phát hiện sớm khi mắc bệnh.
- Duy trì chế độ ăn hợp lý, lành mạnh: Ăn vừa đủ đạm, tinh bột, hạn chế đường, mỡ, nhất là mỡ động vật, nhiều rau, quả.
Thông tin ở đây không bao gồm lời khuyên, chẩn đoán, hướng điều trị, phòng ngừa, cảnh báo hay tác dụng phụ. Nếu có những thắc mắc về những vấn đề sức khỏe mà bạn có hay nghĩ là bạn đang có. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.