Hạ đường huyết xảy ra với nhiều bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Nó có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, phần lớn các vấn đề có liên quan đến insulin có thể được điều chỉnh. Sau đây là cách xử lý với tình huống dùng insulin quá liều
Cách tránh nhầm lẫn khi sử dụng Insulin
Có một vài lý do dẫn tới việc sử dụng quá nhiều insulin. Điều này thường xảy ra khi:
- Bạn đọc nhầm hướng dẫn sử dụng trên lọ (vials) hoặc ống tiêm (syringes): Khi bạn chưa quen với sản phẩm dược phẩm mới, bạn rất dễ mắc sai lầm này.
- Sử dụng nhầm loại insulin: Ví dụ như bạn thường sử dụng 30 đơn vị loại insulin tác dụng kéo dài (long-acting insulin) và 10 đơn vị insulin tác dụng ngắn (short-acting insulin). Bạn có thể rất dễ nhầm lẫn liều dùng hai loại này với nhau.
- Sử dụng insulin mà không dùng bữa: việc tiêm insulin (cả loại insulin tác dụng kéo dài hay ngắn hạn) thường thực hiện trước bữa ăn hoặc trong khi ăn. Hàm lượng đường trong máu của bạn tăng sau khi ăn. Khi bạn tiêm insulin mà không ăn gì sẽ dẫn tới hạ đường huyết ở mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm.
- Tiêm insulin vào tay hoặc chân trước khi tập thể thao: các hoạt động thể lực có thể dẫn tới giảm lượng glucose trong máu và thay đổi cách cơ thể bạn hấp thụ insulin. Bạn nên chú ý tiêm insulin vào vùng không ảnh hưởng tới việc luyện tập của bạn.
Các triệu chứng báo hiệu sử dụng insulin quá liều
- Lo lắng, bồn chồn
- Nhầm lẫn, lú lẫn
- Rất đói
- Mệt mỏi
- Khó chịu, bực nhọc
- Toát mồ hôi
- Run tay
Nếu lượng đường trong máu của bạn tiếp tục giảm, bạn có thể bị co giật.
Bạn nên làm gì trong tình huống sử dụng insulin quá liều?
Hãy theo các bước chỉ dẫn sau đây (nếu bạn có thể):
- Kiểm tra lượng đường trong máu: Bạn sẽ cần phải biết bạn nên xử lý từ đâu.
- Uống một nửa cốc soda hoặc nước hoa quả có vị ngọt, ăn một chiếc kẹo cứng hoặc uống một viên đường dạng viên nén hoặc dạng gel.
- Nếu bạn bỏ bữa, hãy ăn cái gì đó ngay. Nếu bạn ăn thứ gì đó có 15 đến 20g carbohydrates, bạn sẽ có thể tăng lượng đường trong máu.
- Nghỉ ngơi
- Kiểm tra lại lượng đường trong máu sau 15 đến 20 phút. Nếu chỉ số đường máu vẫn thấp, hãy dùng thêm 15 đến 20g đường chuyển hóa nhanh và ăn thứ gì đó có thể.
- Chú ý theo dõi tình hình của bạn sau đó vài giờ. Nếu những triệu chứng trên vẫn còn, hãy kiểm tra lại lượng đường trong máu 1 giờ sau khi ăn. Hãy tiếp tục ăn thêm các thứ khác nếu lượng đường trong máu vẫn thấp.
- Hãy nhờ tới các hỗ trợ y tế nếu lượng đường trong máu vẫn thấp sau hai giờ hoặc bạn không cảm khá hơn.
- Đừng lo lắng về việc bạn làm tăng lượng đường trong máu quá cao trong thời gian ngắn. Việc tăng đường huyết sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng việc hạ đường huyết quá thấp có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Nếu bạn không tỉnh táo hoặc quá nhầm lẫn, bị co giật…những người xung quanh bạn cần giúp đỡ bạn. Hãy để người thân và bạn bè của bạn biết tới những hướng dẫn sau:
- Nếu bạn bất tỉnh, họ nên gọi cấp cứu 115 ngay lập tức
Cách phòng tránh sử dụng Insulin quá liều
Dưới đây là một vài hướng dẫn để bạn có thể phòng tránh:
- Hãy tuân thủ sơ đồ sử dụng insulin một cách nghiêm ngặt: mọi việc sẽ trở nên dễ dàng nếu bạn luôn theo đúng quy trình.
- Hãy ăn đúng bữa: kể cả khi bạn không cảm thấy đói hãy ăn một chút bánh mì hoặc uống một cốc sữa, ăn một chút hoa quả. Không bỏ bữa khi bạn dùng insulin.
- Hãy chuẩn bị: trong trường hợp bạn có thể bị hạ đường huyết. Hãy chuẩn bị sẵn trong túi bạn hoặc người đi cùng các viên kẹo ngọt. Bạn cũng nên mang theo trong xe hoặc trong túi du lịch cùng với bạn.
- Hãy cho bạn bè và người thân biết về triệu chứng và cách xử trí khi bạn bị hạ đường huyết. Điều này sẽ giúp họ biết cách xử trí trong trường hợp bạn bị hạ đường huyết và rơi vào tình trạng không tỉnh táo.
- Hãy mang theo cảnh báo y tế vòng đeo tay ghi rõ bạn đang sử dụng insulin chẳng hạn.
>> Xem thêm: Kháng insulin là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết