Khi bị tiêu chảy nhiễm trùng, chế độ dinh dưỡng là một trong những vấn đề cần lưu ý hàng đầu để đảm bảo sự hồi phục. Tuy nhiên chúng ta cần biêt cách lựa chọn thực phẩm phù hợp để chăm sóc người bệnh dễ dàng hơn.
1. Tiêu chảy nhiễm trùng ăn gì thì tốt?
Có thể thấy, việc ăn uống kém vệ sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nhiễm trùng và vì thế tiêu chảy nhiễm trùng ăn gì luôn là câu hỏi của nhiều người khi gặp tình trạng này.
Các loại thực phẩm nên dùng là gạo, bột gạo, khoai tây, cà rốt. Với nhóm thực phẩm bổ sung đạm, người bệnh tiêu chảy nên chọn thịt gà, lợn nạc, dầu thực vật. Ngoài ra, nên ăn các loại trái cây như chuối, hồng xiêm, ổi chín, táo… Chuối có đặc tính mềm, dễ tiêu hóa nên làm dịu bao tử ngay lập tức.
1.1 Thực phẩm dễ tiêu hóa
- Các món ăn dễ tiêu hóa luôn là ưu tiên hàng đầu trong thực đơn dành cho người đang bị tiêu chảy nhiễm trùng. Cơm trắng, cháo trắng không chỉ dễ tiêu hóa mà còn giúp cung cấp năng lượng và chống đói cho cơ thể.
- Ngoài ra, người bị tiêu chảy có thể ăn bánh mì trắng để giúp giảm dịch vị trong dạ dày, đường ruột. Các món ăn này giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ và tiêu hóa, đồng thời, độ thanh đạm giúp đường ruột giảm tải hoạt động trong quá trình hồi phục.
1.2. Trái cây tốt cho hệ tiêu hóa
- Một số loại trái cây với hàm lượng chất xơ vừa phải, giàu vitamin, khoáng chất giúp bổ sung lượng khoáng chất, nước bị mất khi tiêu chảy cũng rất tốt cho người bị tiêu chảy nhiễm trùng. Ngoài ra, lượng đường trong các loại trái cây giúp tạo năng lượng cho cơ, hạn chế tình trạng mất sức, mệt mỏi do tiêu chảy.
- Các loại trái cây thường được khuyên dùng khi tiêu chảy như: chuối, táo, ổi,… Hạn chế sử dụng các loại trái cây có vị chua hoặc nhiều chất xơ sẽ gây khó tiêu và tình trạng tiêu chảy có thể nghiêm trọng hơn.
1.3. Các loại thịt giàu protein, ít béo
- Trong khẩu phần ăn của người bị tiêu chảy luôn cần cân bằng các dưỡng chất để giúp cơ thể mau hồi phục và trong đó, không thể thiếu các loại protein từ thịt, trứng.
- Thịt heo, thịt gà là 2 loại thịt lành tính, giàu protein dễ tiêu hóa, phù hợp với người bị tiêu chảy. Hạn chế sử dụng các loại thịt bò hoặc các loại thịt động vật khác sẽ gây khó tiêu khi hệ tiêu hóa đang yếu.
- Đối với thịt heo, thịt gà nên chọn phần thịt nạc, ít mỡ và khi chế biến nên thái nhỏ và nêm nếm gia vị vừa phải, không quá mặn để người bệnh không bị nhạt miệng và cơ thể dễ hấp thu hơn.
1.4. Sữa chua, sữa lợi khuẩn
- Thực đơn đầy đủ dưỡng chất dành người bị tiêu chảy không thể thiếu thực phẩm bổ sung lợi khuẩn là sữa chua hoặc các loại sữa lợi khuẩn. Tăng cường vi khuẩn có lợi trong thực đơn sẽ giúp cải thiện tình trạng tăng nhu động ruột cũng như tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa.
- Người bị tiêu chảy nhiễm trùng thường phải ăn chế độ ít gia vị, dầu mỡ, sữa chua sẽ giúp thay đổi khẩu vị, giảm tình trạng thèm ăn vặt. Có thể kết hợp sữa chua với các loại trái cây để bổ sung vitamin cho cơ thể.
3. Người tiêu chảy nhiễm trùng kiêng ăn gì?
Sau khi đã giải đáp thắc mắc tiêu chảy nhiễm trùng ăn gì, điều người bệnh cần quan tâm tiếp theo là những món nên kiêng trong thời gian này để giúp cơ thể mau hồi phục về trạng thái bình thường. Một số thực phẩm nên kiêng ăn khi bị tiêu chảy nhiễm trùng:
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ như các món chiên xào, thịt mỡ sẽ gây tình trạng đầy hơi, khó tiêu và tăng kích thích co bóp của ruột khiến tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn. Hạn chế ăn các loại bánh kẹo ngọt vì cũng có thể gây kích thích đường ruột.
- Thức ăn sống, chưa chín thường chứa nhiều vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây hại cho đường ruột đặc biệt đối với người đang bị tiêu chảy với hệ tiêu hóa yếu.
- Rau củ quả nhiều xơ dù rất tốt nhưng không phù hợp với người bị tiêu chảy. Vì những loại rau củ quả này không chỉ dễ sinh khí, khó tiêu mà lượng bã nhiều còn khiến ruột phải tăng cường co bóp, hoạt động và điều này khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi bị tiêu chảy nhiễm trùng.
- Sữa chứa thành phần lactose không nên dùng đối với trường hợp nghi ngờ tiêu chảy do dị ứng lactose. Thay vào đó có thể sử dụng sữa không chứa lactose hoặc nước gạo, nước cơm để đảm bảo an toàn cho đường ruột.
- Thức ăn cay, nóng tạo cảm giác kích thích tăng nhu động ruột từ đó không chỉ gây khó chịu dạ dày mà còn khiến tiêu chảy nghiêm trọng hơn.
- Rượu bia hoặc thức uống có cồn thường có hàm lượng carbohydrate cao và có hiện tượng lên men khi đưa vào cơ thể. Điều này khiến ruột sẽ tích tụ nhiều khí gây đầy hơi, đi ngoài nhiều hơn.
4. Phương pháp phòng ngừa tiêu chảy nhiễm trùng
- Cách tốt nhất để phòng ngừa tiêu chảy nhiễm trùng là thực hiện vệ sinh cẩn thận, bao gồm rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi xử lý thức ăn hoặc ăn, sau khi thay tã, đi vệ sinh… để tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
- Khi ăn uống, mọi người nên uống nước đã đun sôi hoặc tiệt trùng kĩ; ăn chín uống sôi, tránh đồ tái sống. Đậy thức ăn tránh ruồi nhặng phát tán vi khuẩn vào thức ăn.
- Đối với các hộ chăn nuôi, khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm bị bệnh nên chủ động sử dụng dụng cụ bảo hộ, quần áo, giày khi vào chuồng trại, tránh để chất thải của gia súc gia cầm ở gần khu vực người sinh sống, ăn ở. Tránh ôm ấp hay gần gũi với thú cưng khi chúng bị bệnh.
- Đối với người thường xuyên chăm sóc trẻ em, cần lưu ý rửa tay trước khi cho trẻ ăn hoặc bú sữa, rửa tay sau khi thay tã cho trẻ, sau khi đi vệ sinh và ngay sau khi bị dây bẩn.
- Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu, kéo dài tới 2 tuổi sẽ giảm nguy cơ tiêu chảy. Cho trẻ uống vitamin A cũng có thể giúp hạn chế bị tiêu chảy.
- Tiêm phòng sởi cũng là biện pháp gián tiếp phòng ngừa tiêu chảy vì trẻ dễ mắc suy giảm miễn dịch sau nhiễm sởi.
5. Lưu ý khi chăm sóc người bị tiêu chảy nhiễm trùng
- Bổ sung đủ nước để tránh cơ thể bị kiệt sức do mất nước khi bị tiêu chảy bằng các loại nước lọc, nước khoáng, nước bù khoáng,… Hạn chế làm việc quá sức và tăng cường nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục Đảm bảo ăn uống đủ bữa để giữ năng lượng cần thiết cho cơ thể.
- Uống các loại trà ấm như trà hoa cúc, trà gừng … để làm ấm dạ dày, ruột giúp tiết chế nhu động ruột và giảm cảm giác đau bụng. Giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực toilet, nhà tắm để tránh lây nhiễm. Luôn dùng thực phẩm đã nấu chín và hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn hoặc đồ ăn đóng hộp.
- Nên ăn từ thực phẩm dạng lỏng trong thời gian đầu và chuyển dần sang các món ăn đặc để cơ thể làm quen từ từ với thức ăn. Chia nhỏ khẩu phần ăn để giúp giảm áp lực tiêu thụ lượng lớn thức ăn cho dạ dày và ruột.
- Hạn chế vận động mạnh, thể thao dễ gây mất sức, thay vào đó người bệnh có thể vận động đi bộ nhẹ để tránh uể oải do ngồi hoặc nằm thường xuyên.