Chỉ số đường huyết lúc đói là lượng đường glucose trong máu đo được khi đói. Tức là không ăn hay uống bất cứ thứ gì có đường, tinh bột tối thiểu trong vòng 8 giờ. Chỉ số này là manh mối quan trọng để chẩn đoán bệnh tiểu đường và đánh giá hiệu quả điều trị bệnh
Ý nghĩa của việc xét nghiệm chỉ số đường huyết lúc đói
Xét nghiệm đường huyết lúc đói là cách nhanh nhất và đơn giản nhất để chẩn đoán bệnh tiểu đường, thông qua đo lường mức độ glucose – một loại đường đơn – trong máu. Chỉ số này còn giúp người bệnh tiểu đường đánh giá hiệu quả điều trị.
Thức ăn có chứa chất bột, đường sau khi vào đường tiêu hóa sẽ được chuyển đổi thành đường glucose. Đây là lý do khiến đường huyết tăng cao. Khi đó, tuyến tụy ngay lập tức sản sinh ra lnsulin. Giúp vận chuyển đường từ máu vào tế bào để cơ thể sử dụng. Và một phần dự trữ tại gan dưới dạng glycogen.
Giữa các bữa ăn, glycogen được giải phóng từ từ thành glucose và giữ đường huyết ổn định. Khi mắc bệnh tiểu đường, tuyến tụy giảm khả năng sản xuất lnsulin. Hoặc lnsulin không được sử dụng đúng cách (đề kháng lnsulin) hoặc kết hợp cả 2 nguyên nhân. Đây là lý do khiến đường tích tụ lại trong máu thay vì đi vào tế bào.
Nếu không được điều trị, đường huyết tăng cao kéo dài sẽ dẫn đến một loạt các biến chứng nguy hiểm. Phát hiện sớm tiểu đường thông qua chỉ số đường huyết lúc đói giúp bạn có kế hoạch phòng ngừa những biến chứng này.
Chỉ số đường huyết lúc đói bao nhiêu thì bị bệnh tiểu đường?
Người bệnh phải nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ (nhịn đói qua đêm từ 8 – 14 giờ). Sau khi lấy máu, bác sỹ sẽ sử dụng thiết bị chuyên nghiệp để đo mức glucose có trong mẫu máu đó.
Đường huyết lúc đói dưới 70 mg/dL (hoặc 3.9 mmol/L) là thấp. Khi đó một số người có biểu hiện hạ đường huyết với các triệu chứng: đói cồn cào, tay chân run rẩy, choáng váng, đổ mồ hôi… Cách xử lý là ngậm 1 viên kẹo ngọt, uống chút nước đường hoặc cốc nước hoa quả.
Đường huyết lúc đói bình thường từ 70 – 100 mg/dL (3.9 – 5.5 mmol/L). Nếu mức này từ 126mg/dL trở lên (kiểm tra 2 lần cách nhau 1 – 7 ngày) bạn đã mắc tiểu đường tuýp 2. Nếu nằm trong khoảng 100 – 125 mg/dL (5.6 – 6.9 mmol/L), bạn đang bị rối loạn đường huyết lúc đói, tức là tiền tiểu đường.
Một số nguyên nhân khác cũng gây tăng đường huyết lúc đói. Bao gồm cường giáp, viêm tuyến tụy, ung thư tuyến tụy và một số bệnh ung thư khác.
Mức chỉ số đường huyết lúc đói an toàn đối với bệnh nhân tiểu đường
Các chỉ số đường huyết lúc đói ở bệnh nhân tiểu đường bao nhiêu là tốt tùy thuộc cơ địa của mỗi người. Và thời gian đã mắc bệnh, tình trạng bệnh. Những bệnh bị kèm theo hay biến chứng. Bệnh nhân lâu năm thì mức chỉ số đường huyết lúc đói mục tiêu sẽ cao hơn người vừa mới bị tiểu đường.
Theo tài liệu từ bộ y tế khuyến cáo, thì chỉ số đường huyết lúc đói trong mức an toàn là:
Đối với người trưởng thành bị bệnh tiểu đường, không có thai đường huyết sẽ ở mức: 80 – 130 mg/dL (4.4 – 7.2 mmol/L).
Đối với người già, mạnh khỏe, tiên lượng sống tốt: 90 – 130 mg/dL (5.0 – 7.2 mmol/L). Sức khỏe trung bình 90 – 150 mg/dL (5.0 – 8.3 mmol/L). Sức khỏe rất yếu 100 – 180 mg/dL (5.5 – 10.0 mmol/L).
* Cần chú ý:
Giá trị thay đổi đường huyết lúc đói còn tùy thuộc vào thời điểm đo đường huyết. Chính vì thế, để đánh giá được toàn cảnh quá trình điều trị tiểu đường. Bệnh nhân nên kiểm tra thêm chỉ số HbA1c – chỉ số cho biết hiệu quả kiểm soát đường huyết trong khoảng 90 ngày.
Cách ổn định duy trì chỉ số đường huyết
- Theo dõi đường huyết thường xuyên và đều đặn.
- Uống đều đặn thuốc hạ đường huyết hay insulin. Uống theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Phải tuân thủ theo đơn thuốc, lộ trình điều trị của bác sĩ. Không được tự ý thay đổi liều lượng thuốc hay thêm thuốc mới mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
- Thực hiện chế độ ăn hợp lý. Cân đối các thành phần: Glucid 50 – 60%, protid 15 – 20%, lipid 20 – 30% tổng số calo trong ngày.
- Thực phẩm có GI (glycemic index) cao, thường là các loại thực phẩm chứa đường hấp thu nhanh. Đồng nghĩa với việc lượng glucose trong máu sẽ tăng vọt lên nhưng đồng thời cũng giảm rất nhanh.
- Đối với thực phẩm có GI thấp, trung bình thì lượng glucose máu tăng lên từ từ đều đặn, giảm một cách chậm rãi. Điều này rất thích hợp cho bệnh nhân tiểu đường, giúp kiểm soát đường huyết một cách an toàn, hiệu quả. Các thực phẩm có GI thấp và trung bình như đậu xanh, khoai lang, bưởi, đào…
- Tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần. Lưu ý kiểm tra đường huyết, huyết áp, tình trạng tim mạch trước khi tập. Các loại hình luyện tập đi bộ, bơi lội, cầu lông, leo cầu thang đều được. Lưu ý cần chọn loại nào phù hợp với tình hình sức khỏe, biến chứng và bệnh đi kèm của người bệnh.
- Giữ thái độ lạc quan, thoải mái, tránh stress, áp lực.