Cách điều trị bệnh tiểu đường khi mang thai theo hướng dẫn của bác sĩ là điểu cần thiết để đảm bảo sức khỏe của mẹ bầu cũng như hỗ trợ em bé phát triển một cách tốt nhất cho đến khi chào đời.
Những loại thuốc trị tiểu đường khi mang thai an toàn
Bạn có thể không cần phải sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường thai kỳ mà chỉ cần kiểm soát được tình trạng rối loạn đường huyết bằng cách theo sát chế độ ăn và kế hoạch luyện tập đặc biệt. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê thuốc uống hoặc insulin để giúp làm hạ nồng độ đường trong máu.
Insulin là một loại hormone mà bình thường tụy tiết ra.
Loại insulin mà người ta sử dụng để điều trị đái tháo đường gọi là insulin tổng hợp. Việc điều trị bằng insulin nhằm mục đích làm giảm lượng đường trong máu của người bị đái tháo đường thai kỳ bằng với nồng độ đường của phụ nữ bình thường.
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tiêm insulin (được kiểm chứng là an toàn với thai nhi) và bạn sẽ phải tiêm nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, bạn cũng cần có chế độ ăn uống lành mạnh. Để làm được điều này, hãy chú ý đến lượng carbohydrate (như các chất đường, bột) và sử dụng các loại thực phẩm khi ăn vào ít làm thay đổi nồng độ đường trong máu, ví dụ như các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, các loại đậu.
Phác đồ điều trị tiểu đường thai kỳ
Mục tiêu điều trị
Phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ nhằm đạt được mục tiêu:
- Glucose máu đói, đường máu trước ăn, đường máu trước ngủ 3,9 – 5,5 mmol/l.
- Glucose máu sau ăn 1h và 2h từ 5,4 – 7,1 mmol/l.
- HbA1C < 6%.
Ngoài ra, khi phát hiện đái tháo đường thai kỳ hướng dẫn người bệnh điều chỉnh glucose máu bằng chế độ ăn (giảm chất ngọt, giảm glucid) và theo dõi đường máu liên tục 6 lần/ngày. Sau 2 tuần không đạt kết quả chuyển sang kiểm soát glucose máu bằng tiêm thuốc insulin.
Điều trị bằng insulin
Trong phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ, thai phụ cần phải điều trị bằng insulin:
- Insulin là thuốc điều trị chủ chốt trong thai kỳ
- Insulin dùng trước các bữa ăn và insulin nền vào buổi tối là tối ưu nhất
- Tính liều khởi đầu theo cân nặng: 0,4 đến 0,5 đơn vị/ kg/ 24h
- Tổng liều insulin cần chia ra 40 đến 50% insulin nền và 50-60% insulin trước các bữa ăn.
- Chỉnh liều dần đến đường máu đạt mục tiêu
Điều trị kết hợp với chế độ dinh dưỡng
Ngoài việc áp dụng phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ thì thai phụ cần:
Hạn chế ăn chất bột: 35-45% tổng số năng lượng. Chọn loại có chỉ số tăng đường máu thấp.
Chia bữa ăn thành 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ. Kalo: 30% cho bữa sáng, 30% cho bữa trưa, 20 % bữa tối và 20% các bữa phụ.
Chọn thức ăn nhiều chất xơ, rau tươi, ít chất béo bão hòa. Tránh ăn thức ăn nhiều đường (bánh kẹo, nước ngọt, trái cây nhiều đường). Dinh dưỡng đủ 5 nhóm: rau củ, ngũ cốc, đạm, sản phẩm sữa và hoa quả. Bổ xung multivitamin với sắt, acid folic, calcium.
Sau thai kỳ, những phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cần phải tập luyện thể dục và cần có một chế độ ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa và trì hoãn sự phát tác thành tiểu đường loại 2. Thai phụ cần xét nghiệm bệnh tiểu đường sau 6-12 tuần sinh em bé, và sau đó định kỳ 1-3 năm. Đối với hầu hết phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ, bệnh tiểu đường hết ngay sau khi sinh con. Nếu bệnh tiểu đường của vẫn chưa khỏi, bệnh tiểu đường này gọi là tiểu đường type 2.
Các phương pháp điều trị thay thế cho việc tiêm insulin
Ngoài tiêm insulin, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc để điều trị đái tháo đường khác, chẳng hạn như glyburide và metformin để làm giảm nồng độ đường huyết. Cả 2 loại thuốc này đều dược sử dụng bằng đường uống nên bạn sẽ không cần phải tiêm. Tuy vậy, bạn cũng cần phải ăn uống cẩn thận và theo dõi nồng độ đường huyết ngay cả với các loại thuốc này.
Ngoài ra, các loại thuốc trên có thể qua được hàng rào nhau thai dù chỉ với một lượng nhỏ. Hơn nữa, đôi khi việc dùng thuốc như vậy không đủ để kiểm soát mức đường huyết, vậy nên bạn có thể vẫn cần phải sử dụng insulin.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng về việc sử dụng thuốc trị tiểu đường khi mang thai, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ và luôn nhớ rằng, bệnh tiểu đường thai kỳ không điều trị một cách nghiêm túc có thể gây hại cho cả bạn và con.