Chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh tiểu đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng đủ cả về số lượng và chất lượng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn, đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân. Đặc biệt, với người cao tuổi mắc tiểu đường, chế độ ăn uống lại càng phải chú trọng
Nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản cho người mắc tiểu đường
Nguyên tắc cơ bản về chế độ ăn của bệnh nhân tiểu đường là hạn chế gluxit (chất bột đường) để tránh tăng đường huyết sau khi ăn và hạn chế vừa phải chất béo nhất là các axit béo bão hoà để tránh rối loạn chuyển hoá. Chế độ ăn của người bệnh phải xây dựng sao cho cung cấp cho cơ thể người bệnh một lượng đường tương đối ổn định và quan trọng nhất là phải điều độ và hợp lý về giờ giấc và số lượng thức ăn trong các bữa chính và phụ.
Những nhóm thức ăn người cao tuổi mắc tiểu đường nên và không nên ăn
Nhóm thức ăn người cao tuổi mắc tiểu đường nên và không nên ăn. Đó là:
Nhóm thức ăn nên dùng: Các loại bánh mì không pha phụ gia, gạo, mì sợi. Số lượng vừa phải; sữa tách béo, lòng trắng trứng gà, các loại thịt nạc, thịt gà bỏ da, các loại cá ít béo. Các loại rau xanh có lượng đường thấp: các loại rau cải, mồng tơi, bí bầu, mướp, dưa chuột…
Nhóm thức ăn hạn chế: Bánh mì trắng, ngọt, các loại cá béo, thịt dê, cừu, rau quả đóng hộp, các loại quả chín, cà phê, chè, các chất ngọt nhân tạo, muối khoáng có đường.
Nhóm thức ăn cần tránh hoặc ăn rất ít: Đường (trừ lượng cho phép), các loại mật, bánh ngọt, kẹo, mứt, các loại nước ngọt, nước quả có đường; sữa béo; thịt nhiều mỡ; thức ăn chế biến sẵn: xúc xích, thịt hun khói, các loại phủ tạng…; cá nhiều mỡ (cá basa); lòng đỏ trứng; bơ, mỡ đông lạnh; khoai tây rán; quả ngọt dạng sấy khô, quả ngâm đường; các loại đồ uống: rượu, bia, nước ngọt…
Kế hoạch dinh dưỡng cho người tuổi cao mắc tiểu đường
Bữa sáng
Bữa sáng của người bệnh tiểu đường nên có các thực phẩm bao gồm tinh bột, trái cây chín tự nhiên, protein. Bạn có thể lựa chọn một tô miến, phở, mỳ, khoai lang hoặc ngũ cốc nguyên hạt.
Bữa trưa
Bữa trưa, bạn cần tăng cường chất xơ từ các loại rau củ quả như xà lách, ớt đỏ, ngô, đậu đen, ngũ cốc nguyên hạt, … Bổ sung thêm protein từ thịt nạc thăn, thịt gà nên bỏ da. Ngoài ra cần có thực phẩm chứa nhiều vitamin, omega-3, magie.
Bữa tối
Vào bữa tối, người cao tuổi nên ăn ít hơn bữa trưa và bữa sáng và nên chọn các thực phẩm dễ tiêu hóa. Để bổ sung protein, có thể chọn cá hồi, đậu phụ. Các chất dinh dưỡng khác như chất chống oxy hóa, magie, vitamin, chất xơ có thể chọn măng tây, bông cải xanh, đậu hà lan, cà chua.
Một lưu ý nhỏ nữa là các bữa ăn chính nên ăn với mức độ vừa phải, không nên ăn quá no. Nếu sau khi ăn chừng 1-2 tiếng người bệnh cảm thấy đói thì có thể lót dạ với một chút trái cây, rau củ quả. Các thực phẩm được khuyên dùng nhiều là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Trong đó có các loại rau xanh, ngũ cốc, trái cây, đặc biệt cần hạn chế đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ và hạn chế sử dụng các chất kích thích.