Đối với những người bệnh tiểu đường biến chứng nặng, không thể không biết đến cách tiêm insulin đúng kĩ thuật. Tiêm insulin trực tiếp vào cơ thể là một trong những cách hiệu quả nhất để điều trị và quản lý bệnh. Tuy nhiên, nếu không tiêm đúng kĩ thuật có thể gây nguy hiểm rất lớn cho người bệnh. Vì vậy, khi tiến hành tiêm insulin cần phải hiểu và làm theo hướng dẫn của bác sĩ về cách tiêm và nơi tiêm insulin.
Thời điểm tiêm insulin tốt nhất
Những người đái tháo đường tuýp 1 phần lớn cần tiêm 2 lần mỗi ngày. Những trường hợp cá biệt cần tiêm 3-4 lần mỗi ngày. Một số người mắc đái tháo đường tuýp 2 có thể bắt đầu tiêm 1 lần mỗi ngày. Sau đó, bác sĩ sẽ căn cứ vào diễn biến bệnh để tuỷ chỉnh liều lượng tiêm. Loại insulin được kê sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thời điểm tiêm insulin tốt nhất. Ví dụ nếu bạn đang sử dụng insulin tác dụng nhanh (rapid-acting insulin), thời gian tiêm có thể là 15 phút trước bữa ăn. Ngược lại, insulin tác dụng ngắn (short-acting insulin) cần nhiều thời gian hơn nên người bệnh cần tiêm ít nhất 30 phút trước khi ăn.
Nguyên tắc chung cho người tiêm insulin tại nhà là: cố gắng điều chỉnh sao cho thời điểm insulin bắt đầu phát huy tác dụng trùng với lúc glucose từ thức ăn chuyển hóa vào trong máu.
>>> Có thể bạn quan tâm: Biến chứng tiểu đường: Tác động lên da – nguyên nhân và cách điều trị
Cách tiêm thuốc tiểu đường đúng cách trên cơ thể
Theo khuyến cáo của bác sĩ, người bệnh tiểu đường nên tiêm insulin ở những vùng nhất định bụng, mông hay đùi để cớ thể duy trì khả năng hấp thụ. Tuy nhiên, tuyệt đối không tiêm nhiều lần vào đúng một vị trí trên da. Khi bị tiêm liên tục, phần mô mỡ ngay vị trí đó có thể hình thành mô sẹo dưới da, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng quá trình lưu thông insulin vào máu.
Cách tiêm insulin đúng là tiêm vào phần mô mỡ dưới da để insulin tự động đi vào máu. Bụng là vị trí tiêm insulin của rất nhiều người do bộ phận đó khả năng hấp thụ và chuyển hoá ổn định. Ngoài ra, bạn cũng có thể tiêm ở mông hoặc đùi – những bộ phận có nhiều mô mỡ.
>>> Có thể bạn quan tâm: Phát hiện và ngăn ngừa các bệnh về mắt do tiểu đường
Cách tiêm insulin đúng kĩ thuật
Chọn vị trí tiêm insulin
Các vị trí khác nhau sẽ làm cho insulin vào máu với tốc độ nhanh chậm khác nhau:
- Vùng bụng: Insulin vào máu nhanh nhất.
- Vùng mặt ngoài cánh tay: Insulin vào máu chậm hơn so với vùng bụng.
- Vùng mông và mặt ngoài đùi: Insulin vào máu chậm hơn vùng bụng nhưng nhanh hơn so với khi tiêm vào vùng ngoài cánh tay.
Lưu ý khi tiêm insulin
- Ở mỗi vị trí tiêm, da phải được giữ sạch, cơ bắp và lớp mỡ dưới da vùng này phải hoàn toàn bình thường. Đây là điều kiện để Insulin được hấp thu tốt.
- Các vị trí đều phải được sử dụng luân chuyển.
- Nếu sử dụng từ 2 mũi tiêm trở lên trong một ngày, phải tiêm vào các vị trí ở các vùng khác nhau. Khi tất cả các vị trí trong vùng đã sử dụng hết mới chuyển sang vùng khác.
Hướng dẫn cách tiêm insulin cụ thể
- Chọn vị trí tiêm và sát trùng nơi tiêm bằng bông cồn 70°C.
- Làm căng bề mặt da vùng sát trùng; đâm nhanh kim thẳng đứng vuông góc với mặt da (90°).
- Đẩy xi lanh để thuốc vào cơ thể.
- Rút kim theo chiều thẳng đứng như khi đâm vào, không chà xát lại nơi đã tiêm.
- Người ta còn một cách tiêm khác, đó là phương pháp kéo da. Trong phương pháp này, sau khi sát trùng, dùng một tay kéo nhẹ vùng da, nhanh chóng đẩy kim tiêm một góc từ 45° – 90° so với mặt da.
Chúng ta cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về vệ sinh và liều lượng để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Đừng quên ghé qua trang tin Tiểu Đường thường xuyên vì chúng tôi sẽ liên tục cập nhật những thông tin mới nhất giúp chúng ta sống chung hoà bình với tiểu đường.