Việc kiểm soát chỉ số đường huyết ổn định, gần mức bình thường là rất quan trọng để giúp người mắc bệnh tiểu đường sống khoẻ mạnh, ngăn ngừa biến chứng.
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết?
Ở người mắc bệnh tiểu đường, đường huyết dao động trong ngày chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố:
- Chế độ ăn: khi không tuân thủ chế độ ăn cân bằng và phù hợp. Sử dụng thực phẩm có chỉ số đường huyết cao hoặc ăn kiêng khem không đủ dinh dưỡng.
- Căng thẳng tâm lý.
- Mắc các bệnh khác phối hợp dẫn đến đường huyết lên cao.
- Thuốc: thời gian uống thuốc, các loại thuốc điều trị đái tháo đường hoặc các thuốc khác có thể có hiệu ứng khác nhau đối với đường huyết của bạn.
- Thể dục: tập thể dục với cường độ nhẹ hay nặng sẽ làm giảm hoặc tăng đường huyết.
Mỗi người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) có đáp ứng khác nhau với các yếu tố nêu trên.
Vùng đường huyết bao nhiêu là an toàn?
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), mức đường huyết sau đây là an toàn đối với đa số người bệnh đái tháo đường:
- Đường huyết lúc đói: 90-130mg/dL (5,0mmol/L – 7,2mmol/L).
- Đường huyết sau ăn 1-2 giờ: dưới 180mg/dL (10mmol/L).
- Đường huyết trước khi ngủ: 110mg/dL – 150mg/dL (6,0mmol/L-8,3mmol/L).
Tuy nhiên, mức đường huyết an toàn, thích hợp còn tùy thuộc vào tuổi tác, độ nặng các biến chứng và bệnh lý đi kèm. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để được tư vấn cụ thể đối với tình trạng của bản thân.
Làm gì khi có đường huyết bất thường?
- Khi đường huyết thấp: nên ăn một ít bánh ngọt, kẹo, uống sữa hoặc nước đường.
- Khi đường huyết tăng: nên xem lại chế độ ăn, thức ăn, kiểm tra xem bạn có quên uống thuốc không.
- Sau đó nên đi khám bệnh để được tư vấn và điều chỉnh thuốc.
- Kiểm tra đường huyết thường xuyên.
Bí quyết kiểm soát chỉ số đường huyết an toàn
Việc kiểm soát đường huyết ổn định không quá khó khăn như nhiều người thường nghĩ. Hãy thử áp dụng 5 bí quyết dưới đây, bạn sẽ có thể duy trì mức đường huyết nằm trong giới hạn an toàn.
Ăn uống cho chọn lọc
Để hạn chế tăng đường huyết sau ăn, bạn nên chọn những thực phẩm có hàm lượng chất xơ hòa tan cao, chẳng hạn như: rau xanh, củ ít tinh bột như khoai lang, rau họ đậu, đậu nguyên vỏ, yến mạch, gạo lứt, chất đạm thực vật, chất béo tốt từ quả bơ, oliu, trái cây họ có múi, ít ngọt như cam, bưởi…
Bạn không nên ăn nhiều cơm, gạo trắng, bún, miến, cháo, khoai tây, bánh ngọt, đồ uống có gas, bánh làm từ bột mì, bột gạo hoặc trái cây ngọt như sầu riêng, vải…
Cách ăn cũng rất quan trọng để giữ đường huyết ổn định. Bạn hãy bắt đầu bữa ăn với món rau và uống nước canh trước. Điều này sẽ giúp giảm sự thèm ăn, đồng thời chất xơ trong rau xanh sẽ giúp làm chậm hấp thu chất đường và chất béo từ các thực phẩm khác.
Tập thể dục đều đặn
Tập luyện giúp tăng sử dụng đường tại mô cơ, nhờ đó làm giảm đường huyết. Đồng thời, việc tập luyện thể dục còn mang lại lợi ích lâu dài giúp làm giảm kháng insulin. Sự đề kháng insulin là nguyên nhân tiểu đường hàng đầu khiến đường huyết ở người tiểu đường tuýp 2 tăng cao khó kiểm soát.
Luôn ngủ đúng giờ giấc
Việc ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể được sảng khoái, thư giãn mạch máu, nhờ đó giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Mỗi ngày bạn nên ngủ đủ 6 – 8 tiếng, không nên thức khuya hoặc ngủ nhiều vào ban ngày vì có thể khiến cơ thể dễ bị mệt mỏi và uể oải hơn.
Bổ sung nước đầy đủ
Việc để cho cơ thể mất nước có thể khiến lượng đường huyết tăng cao. Thêm vào đó, việc uống đủ nước cũng sẽ giúp tăng khả năng loại bỏ độc tố ra ngoài cơ thể khi sử dụng thuốc điều trị tiểu đường dài ngày. Bạn cũng có thể uống trà hoa cúc, hoa sen, trà quế… để bù nước, hỗ trợ giấc ngủ và đem lại các lợi ích sức khỏe khác.
Kiểm soát tốt đường huyết, đưa đường huyết ra ngoài vùng nguy hiểm. Giúp bạn sống cân bằng, khỏe mạnh và giảm biến chứng của bệnh đái tháo đường.