Kiểm soát đường huyết bằng insulin là một trong những phác đồ điều trị đái tháo đường tuyp 1 và tuyp 2. Nếu bệnh không được điều trị có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Các loại insulin thường dùng
Insulin thường được sử dụng trong phác đồ điều trị đái tháo đường typ 1 và đái tháo đường typ 2, nhằm thay thế quá trình bài tiết insulin sinh lý. Sử dụng insulin với mục đích kiểm soát đường huyết nhưng cần hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra hạ đường huyết. Hiện nay có nhiều loại insulin được sử dụng trong kiểm soát đường huyết, một số dạng chính như:
- Chất tương tự insulin tác dụng rất nhanh: thời gian khởi phát tác dụng thường sau 10-20 phút và duy trì trong 2-5 giờ. Tên biệt dược của thuốc là Apidra, dung dịch tiêm 100IU/ml.
- Insulin tác dụng nhanh: thời gian khởi phát tác dụng sau 15-30 phút và thời gian duy trì là 4-8 giờ. Tên biệt dược là Actrapid HM, dung dịch tiêm 100UI/ml.
- Insulin bán chậm: thời gian khởi phát tác dụng sau 1-2 giờ và thời gian duy trì là 10-16 giờ. Tên biệt dược là Insulatard FlexPen, Insulatard HM, hỗn hợp tiêm 100IU/ml.
- Chất tương tự insulin tác dụng chậm: thời gian khởi phát tác dụng sau 1,5 giờ và thời gian duy trì là 22-24 giờ. Tên biệt dược là Lantus, Lantus SobStar, dung dịch tiêm 100IU/ml.
- Hỗn hợp insulin bán chậm và chất tương tự insulin: thời gian khởi phát tác dụng là 15 phút và thời gian duy trì là 12 giờ. Tên biệt dược là NovoMix 30 Flexpen, hỗn dịch tiêm 100IU/ml
- Hỗn hợp insulin bán chậm/ insulin nhanh: thời gian khởi phát tác dụng là 30 phút và thời gian duy trì là 12 giờ. Tên biệt dược là Mixtard 30, Mixtard 30 FlexPen, hỗn dịch tiêm 100IU/ml.
Mục đích của phác đồ điều trị bằng insulin
Phác đồ insulin trong điều trị đái tháo đường được lựa chọn hướng tới nhiều mục đích khác nhau:
Tái sản xuất lượng insulin nhằm mô phỏng phù hợp nhất mức bài tiết insulin sinh lý:
- Khi không có năng lượng nạp vào cơ thể: nồng độ insulin nền cần được duy trì ổn định.
- Sau mỗi bữa ăn: nồng độ insulin đạt đỉnh.
Giảm thiểu các cơn hạ đường huyết: Khi nồng độ đường huyết trong cơ thể đã đạt ngưỡng bình thường, cần lưu ý sử dụng thuốc vì có thể dẫn đến các cơn hạ đường huyết. Cách sử dụng insulin cần phải điều chỉnh hợp lý để tránh được các cơn hạ đường huyết.
Phác đồ insulin cần phải phù hợp với:
- Thể đái tháo đường.
- Tuổi của bệnh nhân.
- Mục tiêu điều trị.
- Mức độ hoạt động thể lực
- Dược động học của các dạng insulin
Chỉ định và chống chỉ định
Liệu pháp insulin kiểm soát đường huyết được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Đái tháo đường typ 1: Phụ thuộc insulin.
- Đái tháo đường trong thai kỳ.
- Đái tháo đường typ 2: không phụ thuộc insulin. Sau khi bệnh nhân đã điều chỉnh chế độ ăn, lối sống và có sử dụng kết hợp các thuốc hạ đường huyết đường uống mà vẫn không mang lại hiệu quả.
Chống chỉ định sử dụng insulin đối với những trường hợp:
• Hạ đường huyết.
Ngoài ra, insulin là loại thuốc điều trị đái tháo đường có thể sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú mắc đái tháo đường thai kỳ. Trong thai kỳ, khi mắc đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng trên thai nhi.
Tác dụng không mong muốn
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết là tác dụng không mong muốn thường gặp khi sử dụng insulin trong điều trị đái tháo đường. Khi tiêm insulin có thể làm giảm đột ngột nồng độ đường huyết trong cơ thể, thậm chí có thể dẫn tới hôn mê. Người bệnh hạ đường huyết có biểu hiện các triệu chứng sau:
- Suy nhược.
- Nhức đầu.
- Cảm giác đói.
- Rối loạn thị giác.
- Vã mồ hôi
- Lú lẫn.
Trong trường hợp bệnh nhân bị hạ đường huyết, nên cho bệnh nhân sử dụng ngay loại đường phân hủy nhanh như mứt, kẹo, viên đường,… để cải thiện nhanh chóng các triệu chứng. Trong trường hợp nặng hơn hoặc hôn mê, có thể tiến hành tiêm một liều glucagon.
Ngoài ra, nguy cơ hạ đường huyết có thể tăng lên khi sử dụng insulin đồng thời với các thuốc sau:
- Aspirin và các thuốc khác thuộc nhóm
- Salicylic: đặc biệt khi sử dụng liều cao.
- Thuốc ức chế men chuyển.
- Rượu ethylic: do có nguy cơ cao xảy ra hạ đường huyết. Vì vậy người bệnh cần tránh sử dụng các loại đồ uống có chứa cồn và các dạng thuốc có cồn.
- Các thuốc chẹn beta: do các thuốc này cũng gây hạ đường huyết đặc biệt là loại không chọn lọc trên tim như propranolol. Ngoài ra, các thuốc chẹn beta còn làm mù các phản ứng thần kinh thực vật trong cơn hạ đường huyết như: vã mồ hôi, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh.
Phản ứng dị ứng
- Phản ứng tại chỗ: bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng như phù hoặc ngứa tại vị trí tiêm, xuất hiện các vết mẩn đỏ, có thể hết sau vài ngày đến vài tuần. Phản ứng này có thể liên quan đến yếu tố khác như: tiêm quá nông, các chất sát khuẩn gây kích ứng, dị ứng với các thành phần là chất bảo quản.
- Phản ứng toàn thân: hiếm gặp hơn và nguyên nhân có thể liên quan tới insulin hoặc metacresol. Bệnh nhân có biểu hiện thở khò khè, xuất hiện cơn khó thở, hạ huyết áp, tăng nhịp tim hoặc vã mồ hôi.
Loạn dưỡng lipid
Sử dụng insulin gây ra loạn dưỡng lipid tại nơi tiêm. Để hạn chế biến chứng loạn dưỡng lipid, teo cơ cần thay đổi vị trí tiêm thường xuyên.
Tăng cân
Do tác dụng kích thích quá trình đồng hóa nên insulin có thể gây tăng cân cho người bệnh.
Nguy cơ tăng đường huyết
Nếu sử dụng insulin cùng với một số thuốc có thể gây tăng đường huyết:
- Thuốc an thần kinh: Có thể có nguy cơ tăng đường huyết, do sử dụng thuốc an thần liều cao.
- Danazol: Có nguy cơ gây tăng đường huyết và có thể gây nhiễm toan ceton.
- Các thuốc có chứa tá dược như: Glucocorticoid, đường lactose, sacarose, các hormon bản chất progesteron liều cao, lợi tiểu thiazid và lợi tiểu quai, các thuốc kích thích beta 2 như salbutamol, terbutalin,…
Tóm lại, đái tháo đường là bệnh mãn tính phổ biến, do rối loạn chuyển hóa. Nếu đái tháo đường không được điều trị và kiểm soát đường huyết có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Kiểm soát đường huyết bằng insulin là một trong những phác đồ điều trị đái tháo đường typ 1 và typ 2. Người mắc bệnh tiểu đường cần thường xuyên đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Có phác đồ điều trị phù hợp nhằm phòng ngừa các biến chứng do đái tháo đường gây ra.