Những phụ nữ đang mong muốn có con nhưng bị mắc bệnh tiểu đường thai kỳ đều băn khoăn rằng bệnh có ảnh hưởng như thế nào tới thai kỳ và cần phải chuẩn bị những gì cho việc mang thai.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể liên quan đến các yếu tố di truyền trong gia đình hoặc bắt nguồn từ lối sống . Dưới đây là một số yếu tố chính gây nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ:
- Phụ nữ đã nhiều tuổi (45 tuổi trở lên).
- Thừa cân, béo phì.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường.
- Không hoạt động thể chất thường xuyên.
- Kết quả sàng lọc glucose cho thấy sự bất thường .
- Huyết áp cao.
- Cholesterol cao.
- Tiền sử tiểu đường thai kỳ hoặc em bé nặng hơn 9 cân khi sinh.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
- Tiền sử bệnh tim mạch.
Những xét nghiệm giúp phát hiện bệnh tiểu đường
Có ba loại xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường:
- Xét nghiệm đường huyết tĩnh mạch khi đói: Đây là cách dễ nhất và phổ biến nhất để kiểm tra bệnh tiểu đường. Trước khi thử nghiệm, phải nhịn ăn qua đêm (không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì ngoài nước) trong ít nhất 8 giờ. Bà bầu sẽ đến bệnh viện vào sáng hôm sau để lấy máu xét nghiệm đường huyết.
- Nghiệm pháp dung nạp glucose: Trước khi làm xét nghiệm, phải nhịn đói qua đêm. Trước tiên bà bầu sẽ làm xét nghiệm đường huyết tĩnh mạch lúc đói. Sau đó, y tá sẽ cho uống 75g đường glucose pha với 250 – 300ml nước. Vài giờ sau đó bà bầu sẽ được lấy máu xét nghiệm để đo lượng đường huyết.
- Xét nghiệm HbA1c: Để kiểm tra tổng thể lượng đường trong máu, từ đó thấy được liệu phương pháp điều trị giảm đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường có hiệu quả hay không. HbA1c được thực hiện nhằm đo lượng glucose gắn vào hemoglobin của tế bào hồng cầu lưu thông trong cơ thể.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?
Nếu bệnh tiểu đường không được kiểm soát, các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe có thể xảy ra:
- Bệnh thận dẫn đến huyết áp cao hoặc suy thận
- Các vấn đề về mắt có thể dẫn đến mù lòa
- Tổn thương thần kinh và mạch máu ở bàn chân: gây đau, tê, nhiễm trùng, thậm chí phải loại bỏ ngón chân, bàn chân hoặc cả chân.
- Nồng độ cholesterol trong máu cao dẫn đến đột quỵ và bệnh tim
- Một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng bàng quang hoặc thận, nhiễm trùng âm đạo, nhiễm trùng nấm men và nhiễm trùng da
- Các vấn đề trong thai kỳ
- Các vấn đề về tuyến giáp
Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường cần chuẩn bị thế nào cho việc mang thai?
Nếu đang có kế hoạch mang thai nhưng lại bị tiểu đường, bà mẹ cần đi khám tiền thai kỳ để được bác sĩ tư vấn về cách chăm sóc khi mang thai. Ngoài ra, nên cố gắng kiểm soát tốt lượng glucose trong một vài tuần trước khi mang thai để tránh những rủi ro không đáng có trong thai kỳ, giúp mẹ và bé đều khỏe mạnh.
Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể được ngăn chặn?
Để giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ, hãy thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Một phần quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường là kiểm soát cân nặng ở mức lý tưởng. Sau đây là một vài cách giúp ngăn ngừa bệnh hiệu quả:
- Giữ trọng lượng cơ thể trong phạm vi phù hợp: có thể đánh giá cân nặng qua chỉ số khối cơ thể BMI.
- Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh để giúp giữ cholesterol, huyết áp và cân nặng ở mức khỏe mạnh.
- Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần.
Trong quá trình mang thai, nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa