Theo y học cổ truyền, đái tháo đường nằm trong phạm vi chứng ‘tiêu khát’. Tùy theo thể bệnh và cơ địa của từng bệnh nhân mà thầy thuốc sẽ kê bài thuốc, món ăn phù hợp.
Bệnh đái tháo đường với các biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, người gầy nằm trong phạm vi chứng “tiêu khát”. Tiêu khát là một chứng bệnh do tình chí thất điều, ẩm thực bất tiết… dẫn đến tạng phủ bị âm hư táo nhiệt, khí âm lưỡng hư, tân dịch bị phân bố thất thường mà gây nên bệnh.
1. Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường
– Bẩm thụ tiên thiên bất túc(yếu tố di truyền): Do tiên thiên bẩm thụ bất túc, ngũ tạng suy nhược, đặc biệt cơ thể vốn thận hư.
Ngũ tạng suy nhược thì tinh khí bất túc, khí huyết suy nhược, thận mất bế tàng (mất khả năng trữ tồn và tích lũy tinh khí trong cơ thể) nên dẫn đến tinh hao, tân dịch suy kiệt mà gây nên bệnh Tiêu khát.
– Tình chí mất điều hòa: Tinh thần căng thẳng quá độ hoặc do tức giận, uất ức thái quá làm cho can khí uất kết, lâu ngày hóa hỏa, hỏa nhiệt tích thịnh, thiêu đốt phế, vị, thận làm cho phế táo (phổi bị tổn thương do thời tiết hanh khô), vị nhiệt (nhiệt tích ở vị) và thận âm hư, làm tổn thương tân dịch và hao tổn tinh huyết.
Thận âm hư tân dịch giảm, phế táo làm mất chức năng tuyên phát, không đưa được tinh hoa của thủy cốc (chất dinh dưỡng) đi nuôi dưỡng cơ thể mà dồn xuống bàng quang nên người bệnh khát nước, tiểu nhiều, nước tiểu có vị ngọt.
– Ăn uống không điều độ: Ăn quá nhiều chất béo, ngọt hoặc chất cay nóng làm tổn thương tới chức năng vận hóa của tỳ vị (hai cơ quan có liên quan đến chức năng tiêu hóa, hấp thu và vận chuyển chất dinh dưỡng trong cơ thể).
Tỳ, vị vận hóa thất thường, trong vị tích nhiệt làm nhanh tiêu hóa thức ăn và tổn thương tân dịch nên các tạng phủ, kinh lạc đều mất nuôi dưỡng mà phát sinh ra chứng Tiêu khát.
– Lục dâm xâm phạm: Nguyên nhân phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa đều có thể gây tổn thương cho cơ thể; đặc biệt là ba loại thử, táo, nhiệt. Nếu cơ thể vốn đã âm hư hoặc hỏa vượng, lại thêm hỏa tà xâm phạm, hai loại nhiệt trong và ngoài kết hợp thiêu đốt tân dịch làm tổn thương tân dịch mà phát sinh thành bệnh.
– Phòng lao quá độ:Sinh hoạt bừa bãi làm cho thận tinh khuy tổn, hư hỏa nội sinh lại làm thủy kiệt thêm. Cuối cùng thận hư, phế táo, vị nhiệt, do đó xuất hiện tiêu khát.
– Dùng thuốc ôn táo kéo dài làm hao tổn âm dịch: Dùng phương thuốc “tráng dương chí thạch” là loại thuốc rất táo nhiệt làm hại chân âm và sinh tiêu khát.
2. Bài thuốc theo thể bệnh
Trước đây, tiêu khát được chia thành 3 thể lâm sàng là thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu nhưng ngày nay không còn phù hợp với các triệu chứng của bệnh nhân nữa. Vì thế, mà chia ra thành các thể sau đây:
2.1. Thể táo nhiệt thương tân
– Triệu chứng: Miệng khô, khát nước, uống nhiều nước, đi tiểu nhiều, mau đói, ăn nhiều nhưng người gầy dần, đại tiện táo kết, người mệt mỏi, da khô, lưỡi đỏ, chất lưỡi khô, rêu vàng mỏng hoặc ít rêu, mạch hoạt sác hoặc huyền tế, tế sác.
– Pháp điều trị: Thanh nhiệt sinh tân.
– Phương thuốc: Dùng bài “Bạch hổ gia nhân sâm thang” kết hợp “Ngọc dịch thang”.
Thành phần bài thuốc: Cam thảo 08g, nhâm sâm 12g, tri mẫu 8-12g, thiên hoa phấn 12g, sinh hoàng kỳ 12g, ngũ vị tử 8g, ngạnh mễ 20-30g, thạch cao 40g, cát căn 12g, sinh sơn dược 12g, kê nội kim 10g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng – chiều. Uống khi thuốc còn ấm.
2.2. Âm tinh hư tổn
– Triệu chứng: Đi tiểu nhiều, nước tiểu vẩn đục, miệng khô muốn uống nước, người gầy, ngũ tâm phiền nhiệt, chóng mặt, ù tai, nhức mỏi lưng gối, người mệt mỏi, di tinh, mất ngủ, đạo hãn (ra mồ hôi trộm), da khô, ngứa da, chất lưỡi đỏ hoặc lưỡi gầy khô, rêu ít hoặc trắng mỏng, mạch tế hoặc tế sác.
– Pháp điều trị: Tư bổ can thận, ích tinh dưỡng huyết.
– Phương thuốc: Lục vị hoàn gia giảm.
Thành phần bài thuốc: Thục địa 20-32g, phục linh 8-12g, trạch tả 8-12g, sơn thù nhục 10-16g, hoài sơn 10-16g, đan bì 8-12g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng – chiều. Uống khi thuốc còn ấm.
2.3. Khí âm lưỡng hư
– Triệu chứng: Khát nước, uống nhiều nước, mau đói, ăn nhiều, đi tiểu nhiều, người mệt mỏi, sắc mặt nhợt, hoặc miệng khô nhưng không thích uống nước hoặc chóng mặt, hay ngủ mơ, lòng bàn tay, lòng bàn chân nóng, chán ăn, đầy bụng, đại tiện phân nát hoặc lưng gối nhức mỏi, tay chân tê bì hoặc đạo hãn, tự hãn (tự ra mồ hôi), chất lưỡi đỏ hoặc nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế.
– Pháp điều trị: Ích khí dưỡng âm.
– Phương thuốc: “Sinh mạch tán” hợp “Lục vị hoàn”.
Thành phần: Nhân sâm 4-12g, ngũ vị tử 4-16g, sơn thù 16g, trạch tả 12g, đan bì 12g, mạch đông 16g, thục địa 32g, hoài sơn 16g, phục linh 12g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng – chiều. Uống khi thuốc còn ấm.
2.4. Thể âm dương lưỡng hư
– Triệu chứng: Uống nhiều lại đái nhiều, nước tiểu đục dính, họng khô, lưỡi khô, sắc mặt sạm đen, sợ lạnh, tay chân lạnh nhưng lòng bàn tay bàn chân lại nóng. Nam giới di tinh, xuất tinh sớm, người mệt mỏi, tự hãn hoặc ngũ canh tả (sáng sớm ngủ dậy đi ngoài phân lỏng), hoặc xuất hiện phù, nước tiểu ít. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch trầm tế vô lực.
– Pháp điều trị: Tư âm ôn dương ích thận.
– Phương thuốc: Bài “Kim quỹ thận khí hoàn”.
Thành phần: Thục địa 320g, trạch tả 12g, sơn thù 160g, quế chi 40g, đan bì 120g, sơn dược 160g, phục linh 120g, phụ tử chế 40g
Bài thuốc trên là nguyên phương, trên lâm sàng có thể linh hoạt gia giảm về lượng. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng – chiều. Uống khi thuốc còn ấm.
2.5. Huyết ứ
– Triệu chứng: Bệnh nhân miệng khô, đi tiểu nhiều, người gầy, sắc mặt xạm, chân tay tê bì hoặc có điểm đau chói, đau nhiều về đêm, môi nhợt, chất lưỡi tím hoặc có điểm ứ huyết, tĩnh mạch dưới lưỡi nổi rõ, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc ít rêu, mạch huyền hoặc trầm sáp, kết đại.
– Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ.
– Phương thuốc: Bài “Huyết phủ trục ứ thang”
Thành phần: Đương quy 12g, sinh địa 12g, đào nhân 16g, hồng hoa 12g, xuyên khung 06g, chỉ xác 08g, ngưu tất 12g, xích thược 08g, sài hồ 04g, cát cánh 06g, cam thảo 04g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng – chiều. Uống khi thuốc còn ấm.
3. Món ăn, bài thuốc dễ thực hiện dành cho người đái tháo đường
Bài 1: Các món ăn từ mướp đắng:Mướp đắng nhồi thịt, mướp đắng xào trứng, mướp đắng xào thịt.
Ngoài ra có thể bỏ ruột quả, phơi khô làm trà, uống hàng ngày.
Cần lưu ý, hạn chế dùng ở những bệnh nhân thể hàn: Tỳ dương hư, tâm dương hư, tỳ thận dương hư…
Bài 2: Hoài sơn + ý dĩ: Dùng 60g bột hoài sơn, 30g hạt ý dĩ sao.
Ngâm hạt ý dĩ 5 – 6 giờ rồi hầm với 500ml nước, đun sôi để lửa nhỏ trong 45 phút – 1h. Khi ý dĩ đã chín, cho bột hoài sơn vào khuấy đều tay tầm 5 phút rồi nhấc ra. Mỗi ngày dùng 2 lần.
Bài 3: Nước ép cần tây: Cần tây 100g ép lấy nước uống. Sử dụng hàng ngày.
Lưu ý, có thể cho thêm 1 – 2 miếng táo, lê vào ép cùng để dễ uống hơn.
Bài 4: Lá chè xanh: Sử dụng 100g lá chè xanh tươi, rửa sạch, để ráo nước. Cho lá chè xanh vào ấm sắc, đổ 700-1000ml nước đun sôi, để 2-5 phút rồi nhấc ra, đợi 5 -10 phút là có thể dùng được.
4. Một số lưu ý khi lựa chọn bài thuốc, món ăn dành cho người đái tháo đường
– Không nên lựa chọn những món ăn, bài thuốc vị quá đắng, ăn trong thời gian dài vì có thể ảnh hưởng đến tỳ vị.
– Không nên sử dụng các vị thuốc có vị ngọt, các loại hoa quả ép cùng nước ép có hàm glucose cao.
– Giảm lượng tinh bột trong khẩu phần ăn nhưng không được cắt bỏ hoàn toàn, thay vào đó tăng lượng chất xơ và protein lên.
– Chú ý tập luyện các bài tập cho người đái tháo đường thường xuyên, ít nhất 5 buổi/tuần kết hợp với thay đổi chế độ ăn.
– Khám sức khỏe, kiểm tra đường máu định kỳ.
Đái tháo đường theo Y học cổ truyền có rất nhiều thể, mỗi bệnh nhân phù hợp với một bài thuốc và món ăn riêng. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.