Câu hỏi:- Bác tôi năm nay 80 tuổi, bị mắc bệnh tiểu đường đã hơn 5 năm, vẫn uống thuốc đều đặn theo đơn nhưng đường huyết không ổn định.
Bác tôi năm nay 80 tuổi, bị mắc bệnh tiểu đường đã hơn 5 năm, vẫn uống thuốc đều đặn theo đơn nhưng đường huyết không ổn định. Có người mách ăn mướp đắng, nhất là mướp đắng rừng sẽ rất tốt. Xin bác sĩ hướng dẫn cách sử dụng (dùng cả hạt hay bỏ hạt)?
Trả lời: Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua, tên khoa học: Momordica charantia L., thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae). Quả có chứa một chất glucozit đắng gọi là monocdixin. Ngoài ra còn có vitamin B1, C, betanin, protein… Hạt có chất dầu và một chất đắng chưa xác định.
Ngoài công dụng làm thức ăn (nấu với thịt làm canh), hoặc xắt mỏng ăn sống… mướp đắng còn được dùng làm vị thuốc mát chữa ho, tắm cho trẻ trừ rôm sảy, chữa sốt. Theo sách cổ Đông y, mướp đắng có vị đắng (khổ), tính hàn, không độc, tốt cho kinh tâm, can, phế, vị.
Đặc biệt công năng kiện tỳ, thúc đẩy chuyển hóa của chất charantin, polypeptid-P và vicine trong mướp đắng giúp ức chế sự chuyển hóa và hấp thu đường trong cơ thể, ngăn ngừa căn bệnh đái tháo đường và ổn định đường huyết ở người đái tháo đường.
Nếu làm thực phẩm thì bỏ hạt cho bớt đắng. Hạt dùng với liều 3g hạt khô dưới dạng thuốc sắc. Hoặc quả non thái cả hạt phơi (sấy) khô tán mịn bột chiêu nước uống. Cũng có thể xay nhỏ rồi cho thêm nước vào sắc uống.
Cách làm: Cho 1kg mướp đắng tươi vào máy xay sinh tố xay nhỏ; sau đó cho vào túi vải sạch vắt lấy nước, đun sôi 15 phút (nước 1). Bã cho thêm 500ml nước đun sôi, để nhỏ lửa trong 15 phút, lấy ra để nguội, vắt lấy nước (nước 2). Bã lại cho thêm nước cho 300ml nước đun sôi, để nhỏ lửa trong 15 phút (nước 3). Bỏ bã, gộp cả 3 nước đun sôi trong 15 phút ngày uống 200ml.
Chú ý: mướp đắng chỉ là hỗ trợ còn người bệnh phải tuân thủ việc dùng thuốc theo chỉ định để mang lại hiệu quả cao nhất cho sức khỏe của chính mình.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)