Khi mắc bệnh viêm gan B mạn tính, người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt để phòng ngừa biến chứng. Để việc điều trị đạt được kết quả tốt nhất, bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh viêm gan B mạn tính cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Biến chứng của viêm gan B mạn tính
Bệnh viêm gan B ở giai đoạn mạn tính thường không gây ra các triệu chứng hay biểu hiện gì đặc trưng nên người bệnh thường chủ quan, không theo dõi và điều trị tốt. Khi đó virus gây bệnh sẽ âm thầm gây tổn thương gan dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, suy gan và làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Tình trạng xơ hóa làm chức năng gan suy giảm, dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, sợ mỡ, rối loạn đại tiện. Khi đã có những biểu hiện của giai đoạn muộn thì gan không còn cơ hội phục hồi nữa. Bệnh nhân có thể tử vong vì những biến chứng như: nhiễm khuẩn, chảy máu tiêu hóa và hôn mê gan.
Viêm gan B mạn tính không được điều trị tốt cũng làm tăng nguy cơ ung thư gan. Đây là bệnh trầm trọng, thường diễn biến nhanh, điều trị rất khó khăn.
Nếu được theo dõi điều trị tốt, người bệnh viêm gan B mạn tính có thể phòng được các biến chứng nguy hiểm. Do đó nếu nghi ngờ bị nhiễm virus viêm gan B, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám, xét nghiệm và điều trị sớm.
Để việc điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất, bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần có chế độ ăn uống phù hợp.
Người bệnh viêm gan B mạn tính nên ăn uống thế nào?
Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc bệnh viêm gan là bảo vệ và phục hồi chức năng gan, ngăn ngừa tổn thương gan.
Thực phẩm nên dùng cho người bị viêm gan B mạn tính
– Người bệnh viêm gan B mạn tính nên ăn các loại thực phẩm giàu đạm như: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu… Đặc biệt là biệt là thịt nạc, cá dễ chuyển hóa, có lợi cho gan. Đối với trứng nên ăn lòng trắng trứng để dễ hấp thụ.
– Nên uống sữa để bổ sung dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể, hạn chế được hoạt động chuyển hóa và thải độc của gan.
– Các loại đậu như: đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh… tốt cho người bệnh viêm gan B vì chúng có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc cho cơ thể.
– Tăng cường chất đường, ngũ cốc như gạo, bánh mì, bột mì, mật ong, bột ngũ cốc…
– Bổ sung thực phẩm giàu vitamin như rau xanh và trái cây tươi. Nên ăn các loại rau như bông cải xanh, rau chân vịt, rau má, rau ngót; cà chua, bắp cải, cà rốt… để cung cấp vitamin và chất xơ giúp tiêu hóa tốt. Các loại trái cây như cam, quýt, táo, bưởi, nho, bơ, dưa hấu… giàu vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng, chống oxy hóa, giúp phục hồi tổn thương gan.
Cách chế biến và sử dụng thực phẩm
Ở người mắc bệnh viêm gan B mạn tính, chức năng gan yếu nên cần lựa chọn thực phẩm an toàn, thực phẩm tươi. Không dùng những thực phẩm lạ dễ gây dị ứng. Khi chế biến cần đảm bảo vệ sinh. Nấu kỹ thức ăn. Ưu tiên các thức ăn mềm, nhừ, dễ tiêu hóa. Nấu xong nên ăn ngay, không nên để lâu hoặc ăn lại nhiều lần dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Người bệnh viêm gan B thường mệt mỏi, biếng ăn và khó tiêu. Cho nên để đảm bảo dinh dưỡng và dễ ăn uống, nên chia nhỏ bữa ăn thành 4-5 lần trong ngày để tốt cho tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Thực phẩm cần hạn chế
– Người bệnh viêm gan B mạn tính nên hạn chế ăn các loại thức ăn có nhiều dầu, mỡ, các món nướng, chiên, rán để tránh gây áp lực cho gan. Nên dùng dầu thực vật, hạn chế dùng mỡ động vật.
– Hạn chế ăn các món ăn nhiều gia vị, thức ăn cay như tỏi, ớt, hạt tiêu…
– Hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp.
– Không uống rượu, bia, chất kích thích… Lạm dụng rượu, bia gây suy giảm chức năng gan, làm gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
Bên cạnh việc dùng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, người bệnh viêm gan B mạn tính nên thực hiện lối sống lành mạnh. Tập thể dục đều đặn. Cần theo dõi sức khỏe và tái khám đúng hẹn. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ, kể cả các loại thuốc bổ gan.