Người bệnh viêm quanh khớp vai nên ăn uống thế nào?

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các khớp khỏe mạnh, trong đó có khớp vai. Tham khảo những lời khuyên dinh dưỡng dưới đây nếu bạn đang đối phó với bệnh viêm quanh khớp vai.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, Bệnh viện Quân y 103, viêm quanh khớp vai tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong đó, hội chứng vai – tay nếu không được điều trị có thể dẫn đến mất chức năng tay và tay bị bệnh trở thành tàn phế.

Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng có thể giúp giảm viêm, hỗ trợ sức khỏe sụn và thúc đẩy chức năng tổng thể của khớp. Dinh dưỡng không đầy đủ dễ dẫn đến đau khớp, cứng khớp, tăng nguy cơ chấn thương. Bằng cách kết hợp các loại thực phẩm bổ dưỡng và chất bổ sung vào chế độ ăn uống, có thể hỗ trợ sức khỏe vai, ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến khớp.

1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với bệnh viêm quanh khớp vai

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị, phòng ngừa tái phát viêm quanh khớp vai. Chế độ dinh dưỡng hợp lý hỗ trợ tối ưu trong điều trị bệnh viêm quanh khớp vai bằng cách:

Giảm viêm: Một số thực phẩm có khả năng chống viêm, giúp giảm đau, cải thiện khả năng vận động khớp vai.

Cải thiện sức khỏe khớp: Cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho việc tái tạo sụn khớp, tăng cường sức mạnh cơ bắp xung quanh khớp.

Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng hợp lý giúp giảm áp lực lên khớp vai, giảm nguy cơ tiến triển của bệnh.

Người bệnh viêm quanh khớp vai nên ăn uống thế nào?- Ảnh 1.

2. Các dưỡng chất cần thiết cho người bệnh viêm quanh khớp vai

Theo TS. Bernard Ong – bác sĩ được chứng nhận về Y học thể thao và Phẫu thuật chỉnh hình, người được bình chọn là một trong 100 bác sĩ hàng đầu ở Las Vegas, Nevada (Hoa Kỳ), một trong những nguyên nhân chính gây các triệu chứng tê cứng vai trong bệnh viêm quanh khớp vai có liên quan đến tình trạng viêm. Do đó những thực phẩm có tác dụng chống viêm đều sẽ mang lại lợi ích, giúp chữa lành vết thương nhanh hơn hoặc thậm chí tránh được những biến chứng về sau. Cùng với đó, chế độ ăn chống viêm sẽ có thêm lợi ích là góp phần giảm đau trong bệnh viêm quanh khớp vai.

Thực phẩm giàu protein: Protein rất cần thiết cho việc chữa lành mô và phục hồi chấn thương vì chúng cung cấp các thành phần cần thiết để xây dựng lại cơ và các mô bị tổn thương khác, có thể tăng tốc độ phục hồi cho vai. Việc kết hợp các nguồn protein nạc như thịt gà, gà tây, cá, đậu phụ, đậu nành, đậu lăng vào chế độ ăn uống giúp tăng cường khả năng sửa chữa mô của cơ thể.

Acid béo omega-3: Omega-3 có thể giúp giảm viêm ở khớp, giảm đau liên quan đến các tình trạng như viêm khớp. Việc thường xuyên bổ sung cá béo, các thực phẩm giàu acid béo omega-3 như hạt chia, hạt lanh, hạt cây gai dầu, quả óc chó vào chế độ ăn uống sẽ hỗ trợ sức khỏe vai bằng cách giảm viêm, giảm đau, thúc đẩy chức năng khớp tổng thể.

Vitamin D: Vitamin D rất cần thiết cho sức khỏe của xương và chức năng miễn dịch. Mức vitamin D đầy đủ rất quan trọng để duy trì các khớp khỏe mạnh, ngăn ngừa các tình trạng như loãng xương. Cân nhắc hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung vitamin D nếu bạn có hàm lượng chất dinh dưỡng thiết yếu này thấp hoặc sinh sống ở nơi hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Collagen: Collagen là một loại protein được tìm thấy trong các mô liên kết như sụn, gân và dây chằng. Bổ sung collagen có thể giúp hỗ trợ sức khỏe khớp, giảm viêm, thúc đẩy chức năng tổng thể của vai. Cân nhắc việc bổ sung collagen để hỗ trợ sức khỏe khớp vai, ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến bệnh viêm quanh khớp vai.

Vitamin E: Vitamin E đóng một vai trò quan trọng trong việc sửa chữa mô và chống viêm. Kết hợp các loại thực phẩm như các loại hạt (hạnh nhân, quả phỉ, đậu phộng), hạt giống (hạt hướng dương) và dầu thực vật (dầu ô liu, dầu hướng dương) vào bữa ăn có thể giúp giảm đau, giảm sưng tấy nhờ tác dụng của vitamin E.

Người bệnh viêm quanh khớp vai nên ăn uống thế nào?- Ảnh 2.

Glucosamine và chondroitin: Glucosamine và chondroitin là những hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong sụn khớp. Những chất bổ sung này thường được sử dụng để hỗ trợ sức khỏe khớp, giảm viêm. Glucosamine và chondroitin giúp cải thiện chức năng khớp, giảm đau, tăng cường sức khỏe tổng thể của vai.

Kẽm: Ăn thực phẩm giàu kẽm giúp ích cho cơ thể trong việc chữa lành, sửa chữa và phát triển các mô, vì kẽm được coi là thành phần quan trọng đối với các enzyme và sản xuất protein. Do đó, tiêu thụ đủ kẽm trong chế độ ăn uống giúp đảm bảo phục hồi nhanh hơn. Một số thực phẩm giàu kẽm là thịt nạc, hải sản, hạt bí ngô, đậu xanh, đậu lăng.

3. Lưu ý về chế độ ăn với người bệnh viêm quanh khớp vai

Bên cạnh việc nghỉ ngơi hợp lý, vật lý trị liệu và điều trị y tế, dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi khi bị viêm quanh khớp vai. Dưới đây là một số cách:

3.1 Thực phẩm tối ưu cho sức khỏe khớp vai

Cá béo: Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi rất giàu acid béo omega-3, có đặc tính chống viêm.

Chất béo lành mạnh như quả bơ, dầu ô liu, các loại hạt có chứa các hợp chất chống viêm.

Nghệ: Nghệ là một loại gia vị có đặc tính chống viêm mạnh mẽ nhờ hợp chất hoạt tính curcumin. Curcumin giúp giảm viêm ở khớp, giảm đau cứng khớp.

Rau nhiều màu sắc: Thêm các loại rau có màu sắc rực rỡ vào chế độ ăn uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Giàu chất chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do và giảm căng thẳng oxy hóa trong cơ thể. Những chất dinh dưỡng này cũng có tác dụng giảm viêm, bảo vệ sụn khỏi bị hư hại và thúc đẩy chức năng chung của khớp. Kết hợp nhiều loại rau vào chế độ ăn uống thường xuyên để hỗ trợ sức khỏe vai và ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến khớp.

Các loại trái cây có đặc tính chống viêm: Các loại quả mọng như quả việt quất, dâu tây, mâm xôi rất giàu chất chống oxy hóa giúp giảm viêm và bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại. Các chất chống oxy hóa trong quả mọng có thể giúp hỗ trợ sức khỏe sụn, hỗ trợ quá trình chữa lành. Dứa và nho đỏ cũng là những loại trái cây chống viêm tuyệt vời.

Người bệnh viêm quanh khớp vai nên ăn uống thế nào?- Ảnh 3.

3.2 Nên tránh xa những thực phẩm này khi bị viêm quanh khớp vai

Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn: Để hạn chế tình trạng viêm nhiễm, hãy giảm tiêu thụ lượng thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, chẳng hạn như xúc xích, thịt xông khói, thịt nguội. Những loại thịt này được biết là có hàm lượng chất béo bão hòa cao và các hợp chất hình thành trong quá trình nấu, cả hai đều có thể dẫn đến viêm nhiễm.

Các sản phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo cao: Thay vì các sản phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo cao như sữa nguyên kem hoặc một số loại phomai, hãy chọn các sản phẩm ít béo hoặc không chứa sữa động vật, chẳng hạn như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành hoặc sữa chua ít béo.

Hạn chế tiêu thụ rượu và caffeine: Việc tiêu thụ rượu làm gián đoạn quá trình chữa lành của cơ thể và làm tình trạng viêm nặng hơn. Hơn nữa, nó có thể tương tác bất lợi với thuốc giảm đau, làm giảm hiệu quả của chúng. Tương tự, caffeine, thường có trong cà phê, trà, nước tăng lực, một số loại nước ngọt, làm suy giảm sự hấp thụ chất dinh dưỡng và làm tăng tình trạng viêm.

Thực phẩm giàu natri: Điều quan trọng là phải đọc nhãn thực phẩm và chọn các thực phẩm thay thế ít natri, vì thực phẩm có hàm lượng natri cao có thể thúc đẩy giữ nước và đầy hơi, có khả năng làm trầm trọng thêm cơn đau quanh khớp vai.

Chất béo chuyển hóa: Để bảo vệ vai, tốt nhất nên tránh bơ thực vật, thực phẩm chiên rán, các sản phẩm thực phẩm nướng thương mại có chứa dầu hydro hóa. Những thực phẩm này chứa chất béo chuyển hóa, có thể gây viêm toàn thân, làm chậm quá trình lành vết thương ở khớp vai.

Thực phẩm và đồ uống có đường: Tiêu thụ quá nhiều đường sẽ làm tăng tình trạng viêm, dễ gây ra vấn đề cho những người bị viêm quanh khớp vai. Những thực phẩm này làm tăng mức độ viêm nhiễm và gây tăng cân, do đó cản trở khả năng tự chữa lành tự nhiên của cơ thể.

Chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả là một trong những cách giúp bản thân vượt qua được những đau đớn khi bị viêm quanh khớp vai hoặc tăng tốc độ hồi phục. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ điều trị trước khi bắt đầu bất kỳ chất bổ sung mới nào, đặc biệt nếu người bệnh đang dùng thuốc hoặc có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.