Với một số bệnh nhân tiểu đường, thể thể thao ở người tiểu đường thường xuyên được xem như một phương pháp điều trị ưu tiên theo kế hoạch chi tiết không khác các toa thuốc. Để đạt hiệu quả và an toàn (nhất là cho hệ tim mạch), người bệnh cần được hướng dẫn cụ thể để hạn chế tác hại của những vận động quá mức.
Lợi ích của việc tập thể thao ở người tiểu đường
– Giảm lượng đường trong máu và cải thiện khả năng sử dụng glucose của cơ thể.
– Tăng tác dụng của insulin. Khi tập thể dục đều đặn, liều insulin cần thiết có thể giảm.
– Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhờ làm giảm cholesterol xấu (LDL), và tăng cholesterol tốt (HDL).
– Cải thiện được huyết áp khi huyết áp cao ở mức nhẹ và trung bình.
– Làm tăng hiệu quả của tim, phổi, và hệ thống tuần hoàn cả khi nghỉ cũng như khi làm việc. Cải thiện khả năng vận chuyển oxy làm tăng độ dẻo dai và sức chịu đựng của cơ thể.
– Duy trì và tăng cường sự linh hoạt của khớp: giúp bạn dẻo dai và giữ thăng bằng tốt.
– Kiểm soát trọng lượng cơ thể: giúp đốt bỏ năng lượng dư thừa (dự trữ ở tế bào mỡ), từ đó giúp giảm cân hoặc duy trì trọng lượng của cơ thể.
– Giúp chế ngự căng thẳng (stress) trong sinh hoạt hằng ngày. Qua tập thể dục bạn có nhiều năng lượng hơn, thư giãn hơn và sẽ cảm thấy ít mệt hơn.
– Các nghiên cứu gần đây còn chứng minh rằng, việc luyện tập thường xuyên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều trị và ngăn chặn các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Nguy cơ khi tập thể thao ở người tiểu đường
Nguy cơ thường gặp
Thường gặp và nguy hiểm nhất là hạ đường máu xuống quá thấp, xảy ra ở các bệnh nhân được điều trị insulin hoặc thuốc uống hạ đường máu loại sulfamide. Cũng thường có các biểu hiện đói, run tay chân, vã mồ hôi hoặc hôn mê… giống như hạ đường máu do điều trị insulin hoặc thuốc sulfamide quá liều.
Các biểu hiện này có thể xuất hiện ngay khi người bệnh đang tập hoặc muộn hơn, sau khi đã kết thúc bài tập. Thậm chí ở một số bệnh nhân đái tháo đường tuyp 1, cơn hạ đường máu muộn cũng có thể xảy ra sau khi đã tập xong 6-15 giờ, thậm chí kéo dài tới 24 giờ nếu bệnh nhân tập nặng và tập lâu.
Ngược lại, một số bệnh nhân khi tập nặng lại có thể bị tăng đường máu. Kéo dài trong vòng một vài giờ sau khi tập xong. Các bệnh nhân đái tháo đường tuyp 1 có tăng đường máu kiểu này dễ bị rơi vào tình trạng nhiễm toan ceton.
Tập thể dục, nhất là khi tập nặng có thể làm tăng nguy cơ bị các biến chứng tim mạch như gây cơn đau thắt ngực (do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim). Thậm chí gây nhồi máu cơ tim cho người bệnh đái tháo đường.
Một số bệnh nhân bị loạn nhịp tim, trong đó có những loại loạn nhịp tim nguy hiểm cùng với nhồi máu cơ tim nặng là thủ phạm gây đột tử ở không ít bệnh nhân đái tháo đường.
Một số nguy cơ làm tăng biến chứng
Tập thể dục cũng có thể làm nặng thêm các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường như:
Gây xuất huyết đáy mắt hoặc làm bong võng mạc ở những người đã có biến chứng đáy mắt giai đoạn 3 (có tăng sinh mạch máu). Hậu quả là gây mù hoàn toàn.
Làm tăng mất thêm chất đạm qua nước tiểu và làm nặng thêm bệnh lý thận do đái tháo đường.
Với những người béo hoặc lớn tuổi có thoái hóa khớp (như khớp gối), tăng cường vận động thể lực có thể làm tổn thương khớp trầm trọng hơn. Ngoài ra các nguy cơ gây tổn thương mô mềm hoặc tổn thương bàn chân cũng tăng lên, nhất là khi bệnh nhân đi giày dép chật, đi chân đất hoặc đã có biến chứng thần kinh gây giảm hoặc mất cảm giác ở bàn chân.
Các bệnh nhân đã có biến chứng thần kinh tự động không nên tăng mức vận động vì tim. Và hệ tuần hoàn không tăng hoạt động tương ứng hoặc do bị tụt huyết áp tư thế. Nhất là khi bệnh nhân bị ra nhiều mồ hôi, mất nước trong quá trình tập luyện.
Thận trọng trước khi tập
Trước khi bắt đầu thực hiện chế độ tập luyện cần được thăm khám cẩn thận để phát hiện các biến chứng, nhất là các biến chứng mạn tính của đái tháo đường. Chú ý khám tim mạch để phát hiện các bệnh nhân có thiếu máu cơ tim. Đánh giá nguy cơ tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp tư thế trong khi tập luyện. Ngoài ra cần thăm khám, soi đáy mắt, khám thần kinh, làm các xét nghiệm kiểm tra chức năng thận, phát hiện đạm trong nước tiểu…
Chọn lựa phương pháp tập luyện thích hợp
Nếu không có chống chỉ định gì thì người bệnh có thể tập bất cứ môn thể dục thể thao nào mà họ thích. Thông thường, có thể tập bài thể dục nhịp điệu cường độ trung bình ít nhất 30 phút. Có một số môn không thích hợp với các bệnh nhân đái tháo đường như cử tạ. Vì có nguy cơ cao gây biến chứng mạch máu. Các môn có thể gây chấn thương bàn chân như chạy hoặc đi bộ nên hạn chế cho những người đã có biến chứng thần kinh ngoại biên ở chân…
– Ðể có hứng thú tập luyện đều đặn, các bệnh nhân nên chọn môn thể thao mà mình ưa thích. Hoặc các môn thể thao theo nhóm có sự tham gia của cả những người thân trong gia đình, bạn bè. Ðiều quan trọng nhất là nên bắt đầu từ từ, sau đó mới tăng dần khối lượng vận động. Không nên theo đuổi những mục tiêu quá cao và phi thực tế.
Phương thức tập luyện
Chia làm 3 giai đoạn. Khởi động: Dành 5-10 phút cho phần khởi động bằng bài thể dục nhịp điệu nhẹ để phòng chấn thương cơ. Giai đoạn tập nặng hơn nên kéo dài khoảng 20-45 phút. Giai đoạn giảm dần khối lượng vận động nên kéo dài 5-10 phút bằng cách đi bộ. Co duỗi chân tay hoặc các động tác thể dục chậm khác trước khi kết thúc bài tập.
Cường độ tập luyện
Về nguyên tắc, nên hạn chế cường độ tập sao cho không để huyết áp tâm thu vượt quá 180mmHg. Và cường độ thích hợp ở mức 50-70% cường độ có khả năng đạt được bài tập thể dục nhịp điệu tối đa.
Trong thực tế, có thể xác định mức cường độ thích hợp này dựa vào sự thay đổi nhịp tim. Ðầu tiên phải đo nhịp tim lúc nghỉ (đo lúc sáng sớm khi chưa hoạt động). Và đo nhịp tim đạt tối đa khi tập luyện (phải có sự giám sát của bác sĩ). Sau đó tính cường độ cho phép trong giai đoạn tập nặng theo công thức, chẳng hạn như mức 50% = 0,5 x (nhịp tim tối đa – nhịp tim lúc nghỉ) + nhịp tim lúc nghỉ.
Ví dụ một bệnh nhân đái tháo đường có nhịp tim lúc nghỉ là 80. Nhịp tim tối đa lúc tập là 140 thì chỉ nên tập cho đến khi nhịp tim lên đến = 0,5 (đến 0,7) x (140 – 80) + 80 = 110 – 122 lần/phút.
Nếu không thể xác định được nhịp tim tối đa, có thể đề nghị bác sĩ tính cho một con số lý thuyết dựa vào tuổi của bạn. Tất nhiên con số này sẽ kém chính xác hơn so với cách tính theo công thức trên.
Tần suất tập
Ðể có thể đạt được những lợi ích về tim mạch hoặc kiểm soát đường máu tốt hơn. Bệnh nhân cần tập ít nhất 3 ngày/tuần hoặc tập cách nhật. Còn để đạt được mục đích giảm cân, cần tập ít nhất 5 ngày/tuần.
Lưu ý:
Kiểm tra bàn chân hàng ngày và sau mỗi lần tập xem có bị các nốt phồng da, vết rách hoặc nhiễm trùng ở bàn chân không. Không nên tập trong môi trường quá nóng hoặc quá lạnh và khi đường máu rất cao.
Tránh hạ/tăng đường máu hơn khi tập luyện
– Ăn một bữa khoảng 1-3 tiếng trước khi tập hoặc tập sau bữa ăn 1-3 tiếng.
– Nếu tập nặng hoặc kéo dài thì sau mỗi 30 phút cần ăn thêm một bữa nhẹ carbohydrate.
– Tiêm insulin ít nhất 1 tiếng trước khi bắt đầu tập. Nếu phải tiêm trước khi tập chưa đến 1 tiếng thì nên tiêm vào các vùng ít vận động (như bụng). Không nên tiêm ở đùi.
– Thay đổi chế độ điều trị insulin hàng ngày. Thường là phải giảm liều mũi tiêm insulin trước khi tập.
– Ðo đường máu nhiều lần, tốt nhất là cả trước, trong và sau khi tập.
Trường hợp với đường máu trước khi tập:
. Nếu < 100mg/dl (< 5,5mmol/l): Cần ăn một bữa nhẹ trước khi tập.
. Nếu = 100-250mg/dl (5,5-14mmol/l): Có thể tập bình thường.
. Nếu > 250mg/dl (> 14mmol/l): Cần kiểm tra ceton trong nước tiểu. Nếu ceton niệu âm tính thì có thể tập bình thường. Nhưng nếu ceton niệu dương tính thì không nên tập, mà cần tiêm 1 mũi insulin rồi kiểm tra lại đường máu và ceton niệu. Chỉ tập lại nếu ceton niệu trở thành âm tính.
Cần có sự hiểu biết về mức độ thay đổi nồng độ đường máu theo mỗi bài tập và mỗi môn thể thao khác nhau. Để phần nào có thể tự theo dõi và đánh giá được tác dụng, nguy cơ của việc tập luyện.