Insulin là giải pháp có thể giúp cứu sống tính mạng của những người bị tiểu đường, nhưng để làm được điều này, bạn cần phải tránh khỏi những sai lầm dưới đây.
Đa số những người bị tiểu đường, thường không dùng đủ lượng insulin mà họ cần và điều này có thể là vấn đề đáng lo ngại. Ngoài ra, việc bảo quản insulin không đúng cách cũng có thể làm insulin giảm tác dụng, giảm hiệu quả làm hạ đường huyết.
Trên thực tế, 25% số người sử dụng insulin bảo quản insulin không đúng cách, theo một nghiên cứu được xuất bản tháng 9 năm 2016 trên tạp chí Diabetes & Metabolic Syndrome. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, dưới một nửa số người tham gia nghiên cứu biết cách pha insulin đúng trước khi sử dụng, và hơn 90% số người tham gia nghiên cứu không xử lý kim tiêm insulin đúng cách sau khi tiêm xong.
Vậy, liệu bạn có bảo quản và sử dụng insulin đúng cách hay không? Hãy cùng khám phá một số sai lầm thường gặp về việc sử dụng insulin dưới đây và những cách để tránh không mắc phải các sai lầm này.
Sai lầm #1: Không kiểm tra hạn sử dụng của insulin
Insulin hết hạn sử dụng có thể sẽ không có khả năng kiểm soát đường huyết tốt như insulin còn hạn sử dụng. Khi insulin hết hạn, insulin sẽ bắt đầu bị giáng hóa và sẽ trở nên ít hiệu quả hơn.
Bảo quản insulin chưa sử dụng trong tủ lạnh có thể bảo tồn được tác dụng của insulin cho đến ngày hết hạn sử dụng in trên bao bì. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo rằng đặt ống insulin có ngày hết hạn gần nhất lên trước để bạn biết và sử dụng trước những ống insulin này.
Một khi insulin đã được mở, thì ống insulin đó chỉ có tác dụng tốt trong một khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian này dài hay ngắn phụ thuộc vào loại insulin mà bạn sử dụng, có thể là từ 10 ngày cho đến tận 56 ngày sau khi mở. Đảm bảo rằng bạn đã biết rõ khoảng thời gian có thể sử dụng sau khi mở của loại insulin mà bạn đang dùng. Nếu không chắc chắn, bạn có thể hỏi ý kiến dược sỹ hoặc nhân viên y tế.
Một khi bạn đã mở một lọ insulin, hãy cân nhắc đến việc ghi ngày mở lọ và dán ở bên ngoài lọ để bạn có thể dễ dàng theo dõi được bạn đã dùng lọ insulin đó trong bao lâu. Ngoài ra, một điều khác bạn cần nhớ đó là một lọ insulin hoặc một ống tiêm insulin tự động sau khi đã mở nên được giữ ở nhiệt độ phòng, tránh bảo quản ở những nơi quá nóng hoặc quá lạnh.
Sai lầm #2: Bảo quản insulin ở cánh cửa tủ lạnh.
Nếu bạn bảo quản insulin ở cánh cửa tủ lạnh, thì khả năng các ống insulin có thể sẽ bị di chuyển mỗi lần bạn đóng hoặc mở tủ lạnh. Mặc dù khi pha insulin, bạn sẽ phải lăn nhẹ nhàng để hòa insulin với nhau, nhưng việc rung lắc quá nhiều như khi mở tủ lạnh không phải là một điều tốt. Việc rung lắc các lọ insulin có thể sẽ khiến các phân tử insulin dính vào chính lọ đựng và đôi khi sẽ khiến cho lọ đựng vẩn đục và làm giảm hiệu quả của insulin sau khi được hút ra khỏi lọ. Lắc mạnh cũng có thể khiến insulin bị vón cục hoặc tạo thành các sợi insulin mảnh như sợi chỉ.
Sai lầm #3: Sử dụng insulin có vẻ bề ngoài bất thường
NPH insulin (một loại insulin tác dụng nhanh) trông sẽ hơi đục sau khi được lăn nhẹ. Nhưng, tất cả các loại insulin khác sẽ phải trong suốt. Nếu bạn nhận thấy có các đốm insulin màu đục hoặc đổi màu, insulin vón cục hoặc dính thành sợi, bạn có thể đem ra hiệu thuốc để đổi lấy một lọ khác (trong trường hợp bạn mới mua về). Những lọ insulin xuất hiện tình trạng này thường sẽ không có tác dụng và thậm chí còn có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến việc kiểm soát đường huyết.
Sai lầm #4: Nhầm lẫn giữa insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng chậm.
Hai loại insulin này có cơ chế tác dụng hoàn toàn khác nhau. Do vậy, tốt nhất, nên phân biệt rõ ràng 2 loại insulin này. Hãy cố gắng mã hóa bằng màu sắc các lọ insulin hoặc bảo quản chúng ở 2 vị trí khác nhau. Ví dụ, bạn có thể bảo quản insulin tác dụng nhanh trong tủ bếp nếu bạn dùng chúng trước bữa ăn và bảo quản insulin tác dụng chậm trong phòng ngủ nếu bạn dùng chúng trước khi đi ngủ. Hoặc bạn có thể dùng một loại insulin dưới dạng lọ tiêm và một dạng dưới dạng bút tiêm tự động để phân biệt.
Sai lầm #5: Tái sử dụng kim tiêm
Thông thường, bạn cần phải sử dụng một mũi kim mới hoặc một ống tiêm insulin mới trong mỗi lần tiêm insulin để giảm đau và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nếu bạn lo lắng về vấn đề kinh tế, bạn có thể trao đổi với bác sỹ xem bạn có thể tái sử dụng những ống tiêm từ đã qua sử dụng hay không. Điều này là có thể, miễn là bạn có thể dự phòng được tình trạng nhiễm trùng từ các ống tiêm cũ này. Ngoài ra, bác sỹ cũng có thể gọi ý cho bạn một số cách khác để tiết kiệm chi phí khi sử dụng các thuốc và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị tiểu đường.
Sai lầm #6: Vứt bỏ ống tiêm đã dùng sai cách
Khi ống tiêm của bạn đã không dùng được và cần vứt bỏ, hãy đảm bảo rằng bạn thực hiện việc đó một cách an toàn. Bạn có thể mua một loại túi dán và bỏ kim tiêm đã dùng vào trong đó, để không ai có thể sử dụng lại những chiếc kim tiêm đó cả. Không được dùng kéo để cắt nhỏ ống tiêm, vì việc này sẽ khiến các đầu mũi tiêm bay lung tung và có thể làm những người khác bị thương.
Nếu bạn lo ngại về việc phá hủy những ống tiêm này, bạn hãy đậy nắp các ống tiêm lại và cất vào một chiếc hộp được bảo quản kỹ càng. Sau đó bạn có thể liên lạc với các công ty rác thải hoặc các cơ quan có thẩm quyền để tìm ra cách vứt bỏ các ống tiêm này an toàn, bởi đây cũng là một loại rác thải y tế.