Lối sống hàng ngày như thói quen ăn uống, tập thể dục, hút thuốc và uống rượu là những yếu tố liên quan đến bệnh tiểu đường. Để hiểu hơn về những thói quen ăn uống giúp phòng ngừa tiểu đường, bài viết sau đây sẽ làm rõ một số nội dung liên quan.
Hạn chế đồ uống có cồn sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Insulin tiết ra từ tuyến tụy sẽ kiểm soát sự hấp thu đường (glucose) của các tế bào. Đường huyết tăng khi cơ thể thiếu insulin hoặc các insulin hoạt động không hiệu quả. Nghiên cứu đã cho thấy uống rượu ở liều lượng vừa đủ sẽ có giúp cải thiện tính nhạy insulin, tuy nhiên nếu uống quá nhiều trong một thời gian dài sẽ làm suy giảm sự tiết insulin trong cơ thể.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy uống rượu cũng làm tăng nguy cơ tiểu đường tuýp 2 ở nam giới, kể cả với những người gầy. Đàn ông có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) dưới 22 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng lên khi uống nhiều rượu. Cụ thể, so với những người không uống rượu, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng lên 1,9 lần ở nhóm những người tiêu thụ 23,1 – 46,0g ethanol mỗi ngày ( khoảng 1 – 2 cốc) và tăng gấp 2,9 lần ở nhóm những người tiêu thụ trên 46,1g ethanol mỗi ngày.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng ảnh hưởng xấu làm suy giảm lượng insulin tiết ra của rượu ở nam giới gầy còn lớn hơn nhiều so với tác dụng cải thiện độ nhạy insulin của rượu. Nguyên nhân là do từ ban đầu, lượng insulin tiết ra ở cơ thể của những người gầy thường thấp hơn so với người bình thường và đây cũng là lý do khiến họ khó tăng cân.
Ăn rau giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Nghiên cứu cũng chỉ ra nguy cơ phát bệnh tiểu đường giảm 20% ở nhóm những người hay ăn rau quả. Trong rau xanh có chứa các chất dinh dưỡng như carotenoids, vitamin C, kali, canxi, magie và chất xơ. Đối với nam giới, đặc biệt là những người thừa cân béo phì, những người hay hút thuốc, các loại rau được cho là có tác dụng tốt nhất chính là các rau thuộc họ cải như rau bina, rau cải ngọt, bắp cải, củ cải,…
Rau xanh có chứa nhiều vitamin chống oxy hóa như vitamin C và Carotenoid, có tác dụng làm tăng độ nhạy insulin cùng với chất xơ giúp ức chế sự gia tăng đường huyết (nồng độ glucose trong máu) sau ăn. Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng tuyệt vời này của rau xanh. Ngoài ra, các chất isothiocyanate có trong các loại rau họ cải có tác dụng chống oxy hóa.
Sử dụng nước ngọt làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường?
Việc hấp thụ quá mức năng lượng từ nước ngọt có thể gây ra béo phì. Ngoài ra, uống quá nhiều nước ngọt trong một lần sẽ khiến nồng độ glucose/insulin trong máu tăng lên đột ngột, dẫn đến tình trạng rối loạn dung nạp glucose và tính kháng insulin. Fructose là chất tạo ngọt của nước ngọt, không chỉ làm tăng chất béo nội tạng – một trong những yếu tố gây kháng insulin, mà còn làm tăng nồng độ axit uric trong máu và có thể phát triển thành béo phì và tiểu đường.
Ngay cả với phụ nữ, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sẽ tăng lên nếu uống quá nhiều nước ngọt. Nước ngọt là một trong những đồ uống cần phải hạn chế trong tương lai vì mức tiêu thụ đang ngày càng gia tăng ở châu Á, bao gồm cả Nhật Bản.
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng cao ở nam giới ăn nhiều thịt đỏ
Nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng ở nam giới, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng 1,36 lần ở nhóm tiêu thụ nhiều thịt (trên 100g/ngày). Đặc biệt, ăn nhiều thịt đỏ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là do sắt heme có trong thịt đỏ và các chất các axit béo bão hòa, các HCAs, AGEs (advanced glycation end products) – biến chất có trong phần thức ăn bị cháy khi chế biến thịt sẽ gây ra tình trạng stress oxy hóa và gây viêm, từ đó tác động xấu đến tính nhạy insulin và sự tiết insulin trong cơ thể.
Tuy nhiên, đối với trứng và thực phẩm có chứa cholesterol, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không tăng lên ở nhóm những người tiêu thụ nhiều cholesterol (trên 400 mg/ngày) đối với cả nam giới và phụ nữ. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận thấy, ở phụ nữ mãn kinh, việc hấp thụ cholesterol ở liều lượng vừa đủ sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Điều này là do ở phụ nữ mãn kinh, lượng cholesterol cao sẽ làm làm tăng nồng độ estrogen trong máu.