Hạ đường huyết là vấn đề thường gặp ở người bệnh tiểu đường đang điều trị. Phát hiện các triệu chứng hạ đường huyết để có biện pháp tránh nguy cơ có thể dẫn tới hôn mê và để lại hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong.
Triệu chứng hạ đường huyết
Các hiểu hiện lâm sàng của hạ đường huyết như rối loạn thần kinh thực vật và rối loạn thần kinh trung ương. Cụ thể như:
Đói cồn cào
Nếu bạn đã ăn nhưng vẫn cảm thấy chưa no lắm hoặc đột nhiên bạn lên cơn đói mà không hiểu vì sao, có nghĩa cơ thể bạn đang cần nhiều glucose hơn. Giải pháp dành cho bạn là hãy bổ sung 15g thực phẩm giàu carbohydrate. Ăn nho, uống nước cam và ngậm kẹo cứng cũng là một cách giải quyết kịp thời khi gặp cơn đói.
Run rẩy
Hệ thống thần kinh trung ương bắt đầu hoạt động kém hiệu quả khi nồng độ glucose mất cân bằng. Kết quả, nó giải phóng catecholamine, một chất hoá học sản sinh glucose. Điều này khiến bạn bị run.
Đổ mồ hôi
Đổ mồ hôi thường do hệ thần kinh tự trị kiểm soát là một trong những dấu hiệu đầu tiên của tụt đường huyết. Đột ngột ra mồ hôi mà cơ thể không mắc bệnh nào, bất kể thời tiết nóng hay lạnh cần phải nghĩ ngay đến hạ đường huyết.
Chóng mặt, choáng váng
Nếu bạn đã trải qua những triệu chứng này, hãy nhanh chóng điều trị hạ đường huyết. Lượng đường trong máu giảm có thể dẫn đến ngất xỉu. Khi cảm thấy bản thân như sắp ngất, hãy ngồi hoặc nằm xuống ngay lập tức để tránh bị thương.
Thị lực giảm
Nếu mắt bạn đột nhiên bị mờ đi hoặc bạn nhìn thấy hai hình ảnh, hãy nghĩ ngay nguyên nhân là do lượng đường trong máu bị giảm.
Suy nghĩ linh tinh
Bởi vì bộ não đặc biệt nhạy cảm với sự sụt giảm glucose nên bạn sẽ hay bị nhầm lẫn, khó tập trung vào công việc tại một thời điểm nếu bị hạ đường huyết.
Nói lắp
Khi bị thiếu đường, não không còn có khả năng phát hiện ra sự thay đổi trong lời nói khiến bạn dễ nói lắp. Bạn không nhận ra nhưng người khác thì sẽ thấy sự khác biệt đó.
Tuy nhiên, nhiều người nghĩ bạn bị say rượu trong khi vấn đề thực sự là tụt đường huyết.
Cảm xúc không ổn định
Thay đổi tâm trạng một cách đột ngột không phải là một điều bình thường. Đây được xem là một dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị hạ đường huyết. Khi đó, bạn có thể bỗng dưng cáu giận, buồn bã, khóc lóc và muốn ở một mình. Một số biểu hiện không thật sự nghiêm trọng như dễ bực mình cũng báo hiệu đường huyết đang giảm.
Cảm giác lo lắng
Khi nồng độ glucose giảm quá thấp, các tuyến thượng thận sẽ giải phóng hóc-môn ephinephrine (hay còn gọi là adrenaline) báo hiệu cho gan tiết thêm đường. Lượng hóc-môn ephinephrine dư thừa tạo ra một “cơn thèm adrenaline” khiến bạn cảm thấy lo lắng.
Rối loạn giấc ngủ
Hạ đường huyết rất hay xảy ra vào ban đêm nên gây ra một số rối loạn giấc ngủ. Các triệu chứng bao gồm đổ mồ hôi, mơ thấy ác mộng, đột nhiên thức dậy và khóc, cảm giác mệt mỏi và mơ hồ, hay nhầm lẫn khi ngủ dậy. Nếu từng trải qua hiện tượng này, bạn nên ăn nhẹ trước khi ngủ có thể giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này.
Cách xử lý khi có các triệu chứng hạ đường huyết
Khi bệnh nhân có biểu hiện hạ đường huyết, cần nhanh chóng đưa đường huyết lên mức an toàn, tránh nguy cơ tổn thương hoặc tăng đường huyết quá mức. Cụ thể các bước xử lý như sau:
- Ngưng ngay các thuốc hạ đường huyết hoặc insulin.
- Với hạ đường huyết nhẹ, bệnh nhân có thể ăn bánh, hoa quả, sữa… bất cứ đồ ăn nào có sẵn trong nhà.
Nếu không đỡ nhưng bệnh nhân vẫn tỉnh, thì có thể uống tối thiểu 15g Glucose (3 miếng đường hoặc 3 thìa café đường trong 100ml nước) hoặc 100-150ml nước ngọt, có thể làm tăng đường huyết lên 50mg/dl (2,7mmol/l) trong 15 phút. - Cho bệnh nhân thử lại đường huyết sau 15 phút, nếu không đỡ, lập tức bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế để điều trị.
- Trường hợp bệnh nhân hôn mê không được cho bệnh nhân uống hay ăn vì rất dễ sặc vào phổi.
- Để tránh nguy cơ hạ đường huyết – một biến chứng hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định điều trị của bác sỹ. Mục tiêu là đưa đường huyết về chỉ số cho phép 3,9 – 6,4mmol/l . Và theo dõi chỉ số HbA1c 3 tháng/ lần để kiểm soát biến chứng của bệnh.
Phòng ngừa hạ đường huyết
Thuốc điều trị tiểu đường: Tiêm insulin và uống thuốc hạ đường huyết đúng liều lượng và đúng thời điểm.
Bữa ăn: Không bỏ bữa ăn, thời điểm tiêm insulin phải phù hợp với bữa ăn.
Hoạt động hàng ngày: Nếu hoạt động nhiều hơn hàng ngày hay tập thể dục nhiều hơn. Bệnh nhân nên ăn nhẹ trước khi hoạt động.
Điều trị tiểu đường: Điều trị tiểu đường tích cực. Giữ đường huyết gần bình thường để tránh các biến chứng lâu dài, có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
Bệnh nhân phải để ý nhận biết những dấu hiệu hạ đường huyết để có thể xử trí sớm.
Khám bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị các bệnh lý gây hạ đường huyết.