Xét nghiệm nồng độ đường trong máu (hay còn gọi là xét nghiệm đường huyết) là loại xét nghiệm đo nồng độ một loại đường gọi là glucose có trong máu, được sử dụng để giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.
Các loại xét nghiệm đường huyết thông thường
Xét nghiệm đường huyết lúc đói
Xét nghiệm này được tiến hành sau khi nhịn ăn ít nhất 8 tiếng. Thông thường đây là xét nghiệm đầu tiên để chẩn đoán tiền tiểu đường và tiểu đường.
Xét nghiệm đường huyết 2 giờ sau khi ăn
Xét nghiệm này được tiến hành đúng 2 giờ sau khi ăn. Đây không phải là xét nghiệm để chẩn đoán tiểu đường mà là xét nghiệm để xem người bị tiểu đường có dùng đúng lượng insulin cần thiết tương ứng với các bữa ăn hay không.
Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên
Xét nghiệm này được tiến hành vào bất cứ lúc nào trong ngày, không liên quan đến bữa ăn. Xét nghiệm này có thể được tiến hành vài lần trong ngày. Ở người khoẻ mạnh nồng độ glucose trong máu không thay đổi nhiều trong ngày. Nếu nồng độ glucose biến động lớn trong ngày thì có nghĩa là có điều gì đó không bình thường.
Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống
Đây là một loại xét nghiệm khác để chẩn đoán tiền tiểu đường và tiểu đường. Khi tiến hành xét nghiệm này, mẫu máu được lấy vài lần sau khi uống chất lỏng có chứa glucose. Xét nghiệm này thường được dùng để chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Thai phụ nếu có đường huyết cao trong thai kỳ có thể cần phải làm nghiệm pháp này sau khi sinh.
Xét nghiệm HbA1c máu
Xét nghiệm này đo lượng đường glucose ở dạng kết hợp với hồng cầu trong máu. Xét nghiệm này cũng có thể dùng để chẩn đoán tiểu đường, hoặc để kiểm tra xem bệnh tiểu đường có được kiểm soát tốt hay không và liệu có phải điều chỉnh cách điều trị hay không. Kết quả định lượng HbA1c có thể dùng để tiên đoán nồng độ glucose trong máu trung bình, còn được gọi là đường huyết ước đoán.
Tại sao phải làm xét nghiệm đường huyết?
Xét nghiệm này được dùng để:
Chẩn đoán tiền tiểu đường và tiểu đường;
Theo dõi kết quả điều trị tiểu đường;
Chẩn đoán tiểu đường khi mang thai hay còn gọi là tiểu đường thai kỳ;
Chẩn đoán hạ đường huyết. Xét nghiệm định lượng insulin và xét nghiệm định lượng một loại protein gọi là peptide-C có thể sẽ được tiến hành bổ sung để xác định nguyên nhân hạ đường huyết.
Chuẩn bị trước khi làm xét nghiệm
Xét nghiệm đường huyết khi đói
Đây là một trong những xét nghiệm được dùng để chẩn đoán tiểu đường. Khi làm xét nghiệm này không được ăn và uống gì trừ nước lọc trong vòng ít nhất 8 tiếng trước khi tiến hành xét nghiệm.
Đối với những trường hợp đã được chẩn đoán tiểu đường, bệnh nhân có thể sẽ phải chờ sau khi lấy mẫu máu mới dùng insulin hoặc các thuốc khác mà hàng ngày vẫn uống. Bệnh nhân tiểu đường cũng có thể sẽ được xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên chứ không nhất thiết phải chờ 8 tiếng.
Xét nghiệm đường huyết 2 giờ sau khi ăn
Để tiến hành xét nghiệm này, bệnh nhân cần bắt đầu bữa ăn đúng 2 giờ trước khi lấy mẫu máu. Xét nghiệm này có thể được tiến hành ở nhà bằng cách dùng thiết bị đo đường huyết cá nhân.
Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên và xét nghiệm HbA1c máu
Không cần phải chuẩn bị gì đặc biệt trước khi tiến hành hai loại xét nghiệm này.
Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống
Để tiến hành xét nghiệm này, bệnh nhân phải ăn một chế độ dinh dưỡng đặc biệt trong vòng 3 ngày trước khi làm xét nghiệm. Không được ăn, uống, hút thuốc và tập thể thao quá sức trong vòng ít nhất 8 tiếng trước khi lấy mẫu máu đầu tiên.
Nên hỏi bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc có cần làm xét nghiệm hay không, rủi ro khi làm xét nghiệm, tiến trình làm xét nghiệm, hoặc ý nghĩa của kết quả xét nghiệm.
Kết quả sau khi xét nghiệm đường huyết
Kết quả có thể biết sau 1 hay 2 giờ. Nồng độ glucose trong máu lấy từ tĩnh mạch (còn gọi là nồng độ trong huyết tương) có thể khác với nồng độ glucose đo từ đầu ngón tay.
Nồng độ đường huyết bình thường
Bảng thống kê dưới đây liệt kê ra các giá trị được coi là bình thường. Tuy nhiên số liệu này chỉ mang tính chất tham khảo vì các trung tâm xét nghiệm khác nhau có thể có các tiêu chuẩn khác nhau. Trong bảng kết quả nhận được thông thường sẽ có ghi khoảng giá trị nào là bình thường đối với nơi xét nghiệm đó. Ngoài ra bác sĩ sẽ đánh giá kết quả dựa trên sức khoẻ bệnh nhân và nhiều yếu tố khác.
Vì thế kết quả nằm ngoài số liệu bình thường nêu dưới đây vẫn có thể là bình thường đối với phòng xét nghiệm đó hoặc bệnh nhân đó.
Nồng độ glucose trong máu bình thường ở người khoẻ mạnh
Nồng độ glucose trong máu khi đói | ≤100 mili-gram/decilit (mg/dL), hoặc 5.6 milimol/lit, (mmol/L) |
Nồng độ glucose trong máu 2 giờ sau khi ăn | < 140 mg/dL (7.8 mmol/L) đối với người dưới 50 tuổi,
< 150 mg/dL (8.3 mmol/L) đối với người 50-60 tuổi, |
Nồng độ glucose trong máu ngẫu nhiên | Giá trị này thay đổi tuỳ thuộc thời điểm và lượng thức ăn trong bữa ăn cuối trước khi lấy máu. Thông thường vào khoảng 80-120 mg/dL (4.4-6.6 mmol/L) trước bữa ăn hoặc khi mới thức dậy, 100-140 mg/dL (5.5-7.7 mmol/L) trước khi đi ngủ. |
Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm thay đổi nồng độ glucose trong máu. Bác sĩ sẽ nói chuyện với bệnh nhân nếu có kết quả nào bất thường và kết quả đó có liên quan gì với các triệu chứng đã gặp và sức khoẻ trước đây.
Nồng độ đường huyết cao
Nếu bạn có nồng độ glucose trong máu cao thì có thể bạn đang bị tiểu đường.
Một số trường hợp có thể làm tăng đường huyết bao gồm:
- Sang chấn tâm lý nặng;
- Nhồi máu cơ tim;
- Tai biến mạch máu não;
- Hội chứng Cushing;
- Việc sử dụng một số loại thuốc có chứa corticosteroid;
- Sản xuất quá mức hormone sinh trưởng (bệnh to đầu chi).
Nồng độ đường huyết thấp
Nồng độ glucose trong máu khi đói nếu nhỏ hơn 40 mg/dL (2.2 mmol/L) ở phụ nữ và nhỏ hơn 50 mg/dL (2.8 mmol/L) ở nam giới kèm theo các triệu chứng hạ đường huyết có thể gợi ý u tế bào tiểu đảo tụy, một loại u gây nên tình trạng sản xuất quá mức insulin.
Nồng độ glucose trong máu thấp cũng có thể do các nguyên nhân sau gây ra:
- Bệnh Addison;
- Nồng độ hormone tuyến giáp thấp;
- Ung thư tuyến yên;
- Bệnh liên quan đến gan, như xơ gan;
- Suy thận;
- Suy dinh dưỡng, hoặc rối loạn ăn uống như chứng biếng ăn;
- Đang sử dụng thuốc chữa bệnh tiểu đường.
Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
Sau đây là các nguyên nhân khiến bệnh nhân không thể tiến hành xét nghiệm hoặc kết quả xét nghiệm không đáng tin tưởng:
- Ăn hoặc uống trong vòng 8 tiếng trước khi làm xét nghiệm đường huyết khi đói, hoặc trong vòng 2 giờ trước khi làm xét nghiệm đường huyết 2 giờ sau khi ăn;
- Uống đồ uống có cồn một vài ngày trước khi làm xét nghiệm;
- Bị ốm hoặc căng thẳng thần kinh, hút thuốc, và uống nhiều caffeine;
- Đang sử dụng các thuốc khác. Cần thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc đang uống và liều uống.
Lưu ý
Có thể đo nồng độ đường glucose trong nước tiểu. Nhiều người bị tiểu đường có nồng độ glucose cao trong nước tiểu. Tuy nhiên nồng độ đường huyết phải rất cao mới có thể phát hiện ra glucose trong nước tiểu. Vì thế xét nghiệm glucose trong nước tiểu không được dùng để chẩn đoán hoặc theo dõi bệnh tiểu đường./.