Hạ đường huyết là một cụm từ dùng để chỉ sự giảm lượng đường trong máu dưới mức bình thường và có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu không biết cách xử lý kịp thời.
Hạ đường huyết thường gặp ở nhiều đối tượng nhưng phổ biến nhất là những người bị tiểu đường đang điều trị thuốc hạ đường máu. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể hơn về hạ đường huyết.
1. Hạ đường huyết là gì?
Đó là sự giảm lượng đường trong máu (đường glucose) dưới mức độ bình thường của mỗi người. Trong cơ thể chúng ta, đường glucose được đưa đi khắp cơ thể, có vai trò nuôi dưỡng các tổ chức đảm bảo cho sự sống của mỗi người.
Ở người bị tiểu đường, trong cơ thế thiếu lượng glucagon do tác dụng ức chế của thuốc. Vì vậy, dù bị tiểu đường nghĩa là đường huyết cao, bạn vẫn có thể hạ đường huyết do glucose trong máu bị ức chế quá mức.
2. Nguyên nhân và triệu chứng hạ đường huyết
Nguyên nhân:
Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân hạ đường huyết của bệnh tiểu đường chiếm tỷ lệ đáng kể.
- Do thuốc: một số loại thuốc có thể gây ra chứng hạ đường huyết.
- Do tiêm insulin: đây là một trong những tai biến ở người bệnh tiểu đường khi không kiểm soát tốt lượng đường huyết trong máu dẫn đến việc sử dụng insulin quá mức cần thiết làm đường huyết hạ đột ngột.
- Do ảnh hưởng của 1 số căn bệnh như rối loạn nội tiết, bệnh gan, thận …
- Do uống nhiều bia rượu – Chế độ ăn uống kiên khem không hợp lý.
- Hạ đường huyết sau ăn: do là cơ thể sản xuất quá nhiều insulin (bệnh Insulinome)
Các triệu chứng hạ đường huyết:
Khi bị hạ đường huyết, người bệnh thường có những triệu chứng như:
- Huyết áp hạ.
- Tim đập nhanh.
- Mồ hôi vã ra.
- Có cảm giác mệt mỏi rã rời, đói lả, mặt mày choáng váng, …
Nếu các triệu chứng này không được khắc phục ngay sẽ trở nên nghiêm trọng hơn như:
- Đi lại khó khăn
- Đuối sức, nhìn không rõ, nguy hiểm nhất là gây hôn mê và co giật.
Cần tìm nhanh cách khắc phục tránh để bệnh nặng có thể dẫn đến biến chứng hôn mê.
3. Các dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị hạ đường huyết
-
Đói cồn cào
Nếu bạn đã ăn nhưng vẫn cảm thấy chưa no lắm hoặc đột nhiên bạn lên cơn đói mà không hiểu vì sao, có nghĩa cơ thể bạn đang cần nhiều glucose hơn. Giải pháp dành cho bạn là hãy bổ sung 15g thực phẩm giàu carbohydrate. Ăn nho, uống nước cam và ngậm kẹo cứng cũng là một cách giải quyết kịp thời khi gặp cơn đói.
-
Cảm giác lo lắng
Khi nồng độ glucose giảm quá thấp, các tuyến thượng thận sẽ giải phóng hóc-môn ephinephrine (hay còn gọi là adrenaline) báo hiệu cho gan tiết thêm đường. Lượng hóc-môn ephinephrine dư thừa tạo ra một “cơn thèm adrenaline” khiến bạn cảm thấy lo lắng.
-
Rối loạn giấc ngủ
Hạ đường huyết rất hay xảy ra vào ban đêm nên gây ra một số rối loạn giấc ngủ. Các triệu chứng bao gồm đổ mồ hôi, mơ thấy ác mộng, đột nhiên thức dậy và khóc, cảm giác mệt mỏi và mơ hồ, hay nhầm lẫn khi ngủ dậy. Nếu từng trải qua hiện tượng này, bạn nên ăn nhẹ trước khi ngủ có thể giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này.
-
Run rẩy
Hệ thống thần kinh trung ương bắt đầu hoạt động kém hiệu quả khi nồng độ glucose mất cân bằng. Kết quả, nó giải phóng catecholamine, một chất hoá học sản sinh glucose. Điều này khiến bạn bị run.
-
Cảm xúc không ổn định
Thay đổi tâm trạng một cách đột ngột không phải là một điều bình thường. Đây được xem là một dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị hạ đường huyết. Khi đó, bạn có thể bỗng dưng cáu giận, buồn bã, khóc lóc và muốn ở một mình. Một số biểu hiện không thật sự nghiêm trọng như dễ bực mình cũng báo hiệu đường huyết đang giảm.
-
Đổ mồ hôi
Đổ mồ hôi thường do hệ thần kinh tự trị kiểm soát là một trong những dấu hiệu đầu tiên của tụt đường huyết. Đột ngột ra mồ hôi mà cơ thể không mắc bệnh nào, bất kể thời tiết nóng hay lạnh cần phải nghĩ ngay đến hạ đường huyết.
-
Chóng mặt, choáng váng
Nếu bạn đã trải qua những triệu chứng này, hãy nhanh chóng điều trị hạ đường huyết. Lượng đường trong máu giảm có thể dẫn đến ngất xỉu. Khi cảm thấy bản thân như sắp ngất, hãy ngồi hoặc nằm xuống ngay lập tức để tránh bị thương.
-
Suy nghĩ linh tinh
Bởi vì bộ não đặc biệt nhạy cảm với sự sụt giảm glucose nên bạn sẽ hay bị nhầm lẫn, khó tập trung vào công việc tại một thời điểm nếu bị hạ đường huyết.
-
Thị lực giảm
Nếu mắt bạn đột nhiên bị mờ đi hoặc bạn nhìn thấy hai hình ảnh, hãy nghĩ ngay nguyên nhân là do lượng đường trong máu bị giảm.
-
Nói lắp
Khi bị thiếu đường, não không còn có khả năng phát hiện ra sự thay đổi trong lời nói khiến bạn dễ nói lắp. Bạn không nhận ra nhưng người khác thì sẽ thấy sự khác biệt đó.
Tuy nhiên, nhiều người nghĩ bạn bị say rượu trong khi vấn đề thực sự là tụt đường huyết.
4. Cách xử lý khi bị hạ đường huyết đột ngột
Điều quan trọng nhất là tự bản thân biết biết mình thường có triệu chứng hạ đường huyết.
Việc đầu tiên là luôn luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt có đường… trong túi, trong cặp để lúc xảy ra hạ đường huyết là có thể dùng ngay.
Nếu do bệnh tiểu đường thì nên tuân theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc trong việc dùng thuốc và ăn uống hằng ngày, đặc biệt ăn đủ lượng cacbonhydrat, ăn thêm bữa phụ, ăn nhiều rau…
Nếu trường hợp bệnh nhân ở mức độ nhẹ, vẫn tỉnh táo nên cho uống ngay nước đường…hoặc bổ sung các loại thức uống chứa đường. Sau đó có thể dùng thêm các loại cháo, sữa, hoa quả, bánh ngọt….
Đối với trường hợp nặng bệnh nhân đã rơi vào trạng thái hôn mê vì mất ý thức nên không có khả năng nuốt, nếu cho uống thì có thể gây sặc vào đường hô hấp thì cần nhanh chóng tiêm tĩnh mạch dung dịch ngọt ưu trương 20 – 30% (40 – 60ml), sau đó kết hợp thay bằng truyền nhỏ giọt dung dịch Glucose có nồng độ 5-10% để tránh nguy cơ tái phát hạ đường huyết .
Glucose sẽ tiếp tục chuyền cho đến khi người bệnh hồi phục hoàn toàn.
5. Phòng ngừa hạ đường huyết
Chúng ta cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, ăn đủ lượng carbohydrate trước khi tập thể dục. Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ về chế độ dùng thuốc và chế độ ăn uống
Loại bỏ các yếu tố nguy cơ như kiêng khem quá mức hoặc do các bệnh lý khác…
- Không nên nhịn đói, không bỏ bữa sáng, đặc biệt là người già, trẻ em, người có cơ thể yếu.
- Thường xuyên kiểm tra đường huyết tại các cơ sở y tế.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học trước khi tập thể dục.
- Ăn thêm các bữa phụ ngay khi lượng đường có dấu hiệu xuống thấp.
- Thường xuyên kiểm tra đường huyết và tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ, không tự ý uống thuốc khi không có đơn hoặc ngưng thuốc khi các dấu hiệu bệnh thuyên giảm.
- Luôn có sẵn các sản phẩm có đường để phòng khi xảy ra hạ đường máu mà có dùng ngay.
- Cần có chế độ tập luyện phù hợp theo tư vấn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe.
Ở trên là những thông tin chi tiết về bệnh hạ đường huyết cũng như cách khắc phục và biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả mà chúng tôi sưu tầm được.
Nếu được điều trị sớm và đúng cách bệnh có thể khỏi mà không để lại biến chứng nguy hiểm nào. Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo các bệnh nhân nên chủ động tới thăm khám ngay khi gặp các dấu hiệu bệnh để được thăm khám và điều trị kịp thời.