Cách chăm sóc bàn chân tiểu đường, tránh loét và hoại tử

Cách chăm sóc bàn chân tiểu đường, tránh loét và hoại tử

Biến chứng tiểu đường ở chân có thể gây ra nhiều tổn thương cho người bệnh về cả thể chất và tinh thần. Để xóa đi nỗi ác mộng đoạn chi, bạn cần chủ động chăm sóc bàn chân tiểu đường hàng ngày kết hợp các giải pháp phòng ngừa biến chứng. Vậy bạn cần chăm sóc bàn chân bệnh nhân tiểu đường thế nào để tránh nguy cơ bị đoạn chi?

Cách chăm sóc bàn chân tiểu đường, tránh loét và hoại tử
Cách chăm sóc bàn chân tiểu đường, tránh loét và hoại tử

Vệ sinh kỹ các kẽ ngón chân

Hầu hết người bệnh đều chỉ chú ý rửa trên bề mặt bàn chân mà không vệ sinh kỹ kẽ ngón chân. Điều này rất nguy hiểm vì đây là một trong các vị trí dễ bị loét nhất. Nếu kẽ ngón chân bị loét, nhiễm trùng có thể lan rộng sang toàn bộ các ngón chân xung quanh.

Khi rửa chân, bạn cần rửa cả vùng kẽ ngón chân và kiểm tra xem có vết thương hay dấu hiệu bất thường nào không. Sau khi rửa, bạn cần thấm khô bằng khăn sạch.

Cắt móng chân theo đường ngang

Cách chăm sóc bàn chân tiểu đường
Cách chăm sóc bàn chân tiểu đường

Khi bị tiểu đường, móng chân của bạn sẽ dày và cứng hơn, thậm chí cong quặp vào phía trong khóe móng chân. Thói quen cắt móng chân theo cách thông thường có thể tạo ra các vết thương hở và tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây loét nhiễm trùng.

Để hạn chế nguy cơ này, bạn cần cắt móng theo đường ngang, không cắt sát vào phần thịt của ngón chân. Với phần cạnh hai bên móng, bạn phải dùng giũa để làm gọn móng chứ không được cắt. Thời điểm cắt móng chân tốt nhất là sau khi tắm vì lúc này móng khá mềm và dễ cắt.

Xử lý vết thương và vết loét

Những trường hợp có vết thương hay vết loét ở bàn chân, bạn cần biết cách chăm sóc kỹ lưỡng để hạn chế loét, nhiễm trùng và tăng tốc độ làm lành vết thương.

Chăm sóc bàn chân tiểu đường đối với vết thương nhỏ

Đối với vết thương nhỏ, vết xước da chưa nhiễm trùng (không sưng, nóng, đỏ, đau, không chảy nước mủ), bạn có thể xử lý nhanh theo các bước sau:

  • Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc povidine pha loãng. Povidine mua tại hiệu thuốc thường là loại đặc nồng độ 10%. Khi sử dụng, bạn nên pha loãng theo tỷ lệ 1/10. Ngoài ra, bạn cần tránh dùng oxy già vì có thể khiến vết thương tổn thương sâu hơn.
  • Dùng bông sạch thấm khô nước
  • Thoa thuốc mỡ kháng sinh (nếu có)
  • Băng lại bằng gạc mỡ, băng hydroclorid hoặc băng vết thương dạng xịt.

Chăm sóc bàn chân tiểu đường đối với vết thương đã nhiễm trùng

Khi vết thương, vết loét có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Bác sĩ sẽ căn cứ vào độ sâu rộng và mức độ nhiễm trùng của vết thương để kê kháng sinh phù hợp.

Bạn tránh tự ý rắc bột kháng sinh lên vết loét hoặc đắp các loại lá theo truyền miệng. Điều này có thể khiến vết loét ăn sâu vào phía trong bàn chân, khiến việc điều trị khó khăn hơn.

Giảm áp lực lên bàn chân

Một trong những nguyên nhân dẫn đến biến chứng bàn chân ở bệnh tiểu đường là do việc giảm lượng máu nuôi dưỡng bàn chân. Để ngăn ngừa điều này và chăm sóc bàn chân bệnh nhân tiểu đường tốt hơn, bạn cần:

  • Sử dụng giày dép đế bằng
  • Không ngồi bắt chéo chân, không ngồi lâu một tư thế. Nếu phải di chuyển trên xe đường dài, thỉnh thoảng bạn nên đứng dậy đi lại. Thay đổi tư thế ngồi hoặc cử động chân qua lại để máu lưu thông
  • Nếu đang có vết thương, vết loét tại bàn chân hoặc bàn chân bị biến dạng, bạn hãy đạp xe thay vì đi bộ. Đồng thời nên kê cao chân khi ngồi, nằm.
  • Xoa bóp lòng bàn chân theo vòng tròn và dọc theo bắp chân, bắp đùi.

Sắp xếp không gian an toàn

Người tiểu đường, đặc biệt là người cao tuổi, rất hay thức giấc vào ban đêm để uống nước hoặc đi vệ sinh. Nếu đồ đạc trong phòng quá nhiều và không được sắp xếp hợp lý sẽ dễ xảy ra va chạm khiến người bệnh bị trầy xước hay bầm tím.

Vì vậy, bản thân người bệnh và gia đình nên bố trí đồ đạc trong nhà thông thoáng. Chọn các đồ đạc có cạnh bo tròn để giảm nguy cơ bị thương khi vô tình đụng phải.

Chọn giày dép phù hợp

Không phải loại giày nào cũng phù hợp với người tiểu đường. Hãy chọn giày đế bằng, có lỗ thoáng, có độ đàn hồi và kín mũi như giày da mềm, giày thể thao thay vì giày cao gót. Nếu bàn chân của bạn bị biến dạng, bạn cần hỏi bác sĩ về loại giày thiết kế chuyên dụng cho trường hợp này.

Ngoài ra, bạn nên đi mua giày vào chiều tối. Với giày mới, những ngày đầu bạn chỉ nên đi khoảng 1 tiếng để làm quen sau đó tăng dần số giờ đi. Đặc biệt, cần kiểm tra bên trong giày xem có vật sắc nhọn gì không trước khi đi.

Mang tất ngay cả ở trong nhà

Đây là một lưu ý quan trọng khi chăm sóc bàn chân tiểu đường. Việc mang tất sẽ giúp bạn hạn chế tổn thương bàn chân. Tuy nhiên, khi chọn tất, bạn cần lưu ý các điều sau:

  • Chọn tất cotton hoặc len mềm.
  • Chọn tất trơn và không chọn tất hoa, tất thêu nổi.
  • Chọn tất chiều dài vừa phải, không dùng tất dài đến đầu gối và bó chặt cổ chân.

Bạn nên thay tất mới mỗi ngày, tránh sử dụng đôi tất đã rách, không vá lại để sử dụng.