bệnh tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường

Những biểu hiện của bệnh tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường

Trong số các biến chứng của bệnh tiểu đường, biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường là phổ biến nhất, và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong cao. Vậy cơ chế biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường và những biểu hiện chủ yếu của bệnh tim mạch ở bệnh nhân là gì?

Các biểu hiện chủ yếu của biến chứng tim mạch

bệnh tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường
Biến chứng bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành

Biến chứng bệnh mạch vành là căn nguyên tử vong chủ yếu trong bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường.

Dấu hiệu ở người bệnh

Một đặc điểm rất quan trọng, đó là biểu hiện lâm sàng bệnh mạch vành ở bệnh nhân tiểu đường không rõ ràng. Nhiều bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim, thậm chí nhồi máu cơ tim nặng mà không hề biết, chỉ khi đi khám sức khỏe mới tình cờ phát hiện ra. Chính vì thế, đối với người bệnh tiểu đường, luôn phải kiểm tra tim mạch định kỳ mới có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của thiếu máu cục bộ cơ tim.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng bằng cơn đau thắt ngực (cơn đau thắt sau xương ức, cảm giác như bị bóp nghẹt tim, lan trên vai trái, cằm hoặc cánh tay trái), hoặc cảm giác tức ngực trái, cảm thấy hồi hộp, khó thở, trống ngực đập mạnh…Tất cả các dấu hiệu bất thường trên, dù là rất nhỏ, người bệnh cần phải khám xét kỹ lưỡng để kịp thời phát hiện và chữa trị sớm.

Chẩn đoán bệnh

Bệnh nhân có thể được bác sĩ làm các thăm dò cần thiết để chẩn đoán bệnh mạch vành như ghi điện tim liên tục 24 giờ theo phương pháp Holter, ghi điện tâm đồ lúc nghỉ, siêu âm tim, xạ hình tưới máu cơ tim, nghiệm pháp gắng sức và chụp mạch vành bằng máy CT đa dãy (64; 128; 256 hay 320 lát cắt). Sau đó, nếu nghi ngờ có thiếu máu cơ tim, bệnh nhân sẽ được chụp động mạch vành bằng máy chụp mạch kỹ thuật số Angiography để phát hiện bệnh động mạch vành, đặt giá đỡ nếu có chỉ định.

Bệnh lý mạch máu não

Người bệnh chủ yếu sẽ gặp tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) biểu hiện bằng nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Biểu hiện lâm sàng là đột ngột bại hoặc liệt nửa người, méo miệng, có thể kèm theo rối loạn ý thức ở nhiều mức độ khác nhau. Các biểu hiện này có thể xuất hiện trong thời gian ngắn rồi biến mất, sau đó tái phát và diễn biến nặng hơn, hoặc ngay từ đầu bệnh nhân đã bị nặng rồi để lại di chứng tàn phế và có thể tử vong.

Các dấu hiệu sớm của bệnh lý mạch máu não

Chóng mặt nhẹ, rối loạn giấc ngủ, mất thăng bằng, giảm sút trí nhớ…

Chẩn đoán bệnh

Bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm thăm dò mạch máu não như siêu âm Doppler xuyên sọ. Lưu huyết não…phương pháp này có thể phát hiện thấy các dấu hiệu của thiểu năng tuần hoàn não.

Khi có biểu hiện lâm sàng bằng các dấu hiệu bại hoặc liệt nửa người thì bệnh nhân cần được chụp cắt lớp vi tính (chụp CT sọ não) để chẩn đoán xác định tổn thương là bệnh nhồi máu não hay xuất huyết não để có phương pháp điều trị phù hợp.

Bệnh lý mạch máu ngoại biên

Dấu hiệu

Bệnh nhân thấy đau và mỏi chân, chuột rút khi đi bộ nhiều. Sau khi nghỉ ngơi, các dấu hiệu không xuất hiện nữa. Người bệnh có thể tiếp tục đi được cho đến khi xuất hiện lại các triệu chứng trên.

Ngoài ra, người bệnh còn gặp các dấu hiệu khác như chuột rút, loét hay hoại tử đầu chi. Kiểm tra mạch thì thấy mạch mu chân mất hoặc yếu, mất mạch khoeo, huyết áp chi dưới thấp…

Chẩn đoán bệnh

Kiểm tra siêu âm Doppler mạch máu để phát hiện các tổn thương mạch máu lớn ở chân tay.
Chụp động mạch bằng máy CT đa dãy hay máy Angio để phát hiện kịp thời tổn thương động mạch.

Nguyên tắc điều trị các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường

– Theo khuyến cáo của Hội nội tiết tiểu đường Việt Nam, phải kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Đảm bảo chỉ số đường huyết lúc đói ≤ 7,0 – 7,5 mmol/l và HbA1C ≤ 6,5 – 7%. Kiểm soát tốt lượng đường glucose máu sẽ khống chế tốt được các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường.

– Điều trị toàn diện, xử lý cả các yếu tố nguy cơ đi kèm. Không những điều trị biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường mà phải ngăn ngừa các yếu tố như tăng huyết áp, hút thuốc lá và rối loạn lipid máu.

– Theo dõi thường xuyên và định kỳ bệnh tiểu đường để kịp thời phát hiện các biến chứng. Và xử lý sớm và triệt để.

Phòng ngừa biến chứng tim mạch như thế nào?

bệnh tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường
Bệnh tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường

Để phòng ngừa biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường, người bệnh cần phát hiện sớm. Và điều trị các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch bao gồm:

– Kiểm soát đường huyết, mỡ máu, huyết áp tốt

– Kiểm soát cân nặng, phòng tránh béo phì, giảm cân hợp lý

– Không được hút thuốc lá và hạn chế rượu bia

– Tăng cường vận động thể lực, nên tập 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày trong tuần.

Ngoài ra, người bệnh nên bổ sung các kiến thức về các biến chứng của bệnh tiểu đường. Nắm rõ các triệu chứng sớm của bệnh tim mạch. Khi có bất cứ triệu chứng gì nghi ngờ có liên quan đến biến chứng tim mạch nên đi khám kịp thời.

>> Xem thêm: Các biến chứng tiểu đường thường gặp mà bạn cần phải biết