các biến chứng tim mạch do đái tháo đường

Phân loại các biến chứng tim mạch do đái tháo đường và cách phòng ngừa

Biến chứng tim mạch của bệnh đái tháo đường rất phổ biến, không chỉ gây tăng huyết áp, xơ vữa mạch mà còn có thể gây suy tim, nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong. người bệnh cần hiểu rõ các biến chứng tim mạch do đái tháo đường, dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa.

các biến chứng tim mạch do đái tháo đường
Các biến chứng tim mạch do đái tháo đường

Vì sao bệnh nhân đái tháo đường dễ bị biến chứng tim mạch?

Cơ chế gây biến chứng đái tháo đường trên tim mạch khá phức tạp. Nhưng có thể hiểu đơn giản đây là hậu quả của tổn thương mạch máu và tổn thương thần kinh tự chủ.

Đường huyết tăng cao kéo theo hàng loạt các rối loạn khác như rối loạn mỡ máu, nội mô khiến mạch máu bị tổn thương. Điều này tạo cơ hội cho các mảng xơ vữa hình thành, làm giảm lượng máu nuôi dưỡng các cơ quan (tim, não, bàn chân…) hoặc tạo ra các cục máu đông gây nhồi máu, đột quỵ.

Đó là chưa kể đến đái tháo đường còn ảnh hưởng tới hệ thần kinh tự chủ điều khiển nhịp tim. Người bệnh có thể bị tim đập nhanh bất thường khi nghỉ ngơi, hạ huyết áp tư thế đứng. Hoặc không nhận biết được các cơn nhồi máu cơ tim.

Điều này đủ thấy mức độ nguy hiểm và tại sao người bệnh đái tháo đường phải phòng ngừa biến chứng tim mạch sớm.

Phân loại các biến chứng tim mạch do đái tháo đường

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp vừa là hệ quả vừa là yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường. Mạch máu bị xơ vữa chít hẹp có thể làm tăng áp lực trong lòng mạch khiến huyết áp tăng cao. Huyết áp tăng cao cũng làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch khác.

Bệnh mạch vành

Đây là nhóm biến chứng chiếm tỉ lệ cao nhất trong các biến chứng tim mạch của bệnh đái tháo đường. Nếu không được điều trị và phòng ngừa sớm, tim sẽ yếu dần gây suy tim. Bệnh thường biểu hiện bởi những cơn đau thắt ngực không điển hình. Hoặc không có triệu chứng đau ngực, nhồi máu cơ tim im lặng, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột tử.

Cơn thiếu máu tạm thời (TIAs)

Cơn thiếu máu tạm thời gây ra bởi sự tắc nghẽn tạm thời của một mạch máu đến não. Tình trạng này khiến chức năng não bị thay đổi đột ngột.  Chẳng hạn bị liệt tạm thời hoặc yếu một bên cơ thể. Thay đổi chức năng não cũng có thể dẫn đến mất cân bằng, nhầm lẫn, mù lòa ở một hoặc hai mắt, nhìn đôi, nói khó, đau đầu nặng…

Hầu hết các triệu chứng thiếu máu tạm thời biến mất một cách nhanh chóng. Và hiếm khi dẫn đến tổn thương vĩnh viễn. Tuy nhiên, nếu triệu chứng không hết sau một vài phút, rất có thể đó là cơn đột quỵ chứ không còn là thiếu máu tạm thời.

Tai biến mạch não

Ngoài gây tổn thương các mạch máu nuôi tim. Đái tháo đường còn ảnh hưởng tới mạch máu nuôi dưỡng não, khiến tế bào não bị thiếu oxy. Và dẫn đến đột quỵ hoặc tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Biểu hiện bằng nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Biểu hiện lâm sàng bằng đột ngột bại hoặc liệt một nửa người, méo miệng. Có thể kèm theo rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau.

Bệnh lý mạch máu ngoại biên

Biến chứng này không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng có thể khiến người bệnh bị đau đớn thường xuyên và dễ loét bàn chân, đoạn chi.

Cách phòng ngừa biến chứng tim mạch ở người đái tháo đường

phòng ngừa biến chứng tim mạch do đái tháo đường
Phòng ngừa biến chứng tim mạch do đái tháo đường

Ở bệnh nhân đái tháo đường, việc kiểm soát đường huyết trong ngưỡng an toàn không chỉ mang lại hiệu quả điều trị bệnh mà còn giúp ngăn ngừa các biến chứng. Trong đó có biến chứng tim mạch. Để hạn chế các biến chứng tim mạch, bệnh nhân cần nắm rõ các điều sau:

Kiểm soát huyết áp

Việc kiểm soát huyết áp có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa biến chứng tim mạch. Một nghiên cứu ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 cho thấy việc kiểm soát huyết áp tâm thu xuống ≤ 130mmHg. Hoặc huyết áp tâm trương xuống ≤ 80mmHg giúp làm giảm đến 35% nguy cơ đột quỵ. Và giảm tỷ lệ tử vong đối với những người có huyết áp tâm thu từ 140 – 160 mmHg, hoặc huyết áp tâm trương từ 85 – 100 mmHg.

Tuy nhiên, bệnh nhân cũng cần đảm bảo duy trì chỉ số huyết áp tiêu chuẩn. Tránh gây ra tình trạng hạ huyết áp quá mức.

Kiểm soát cân nặng

Tình trạng thừa cân, béo phì làm tăng tỷ lệ triglyceride, tăng cholesterol LDL (cholesterol hại). Và làm tăng nguy cơ cao huyết áp, xơ vữa động mạch. Một trong những nền tảng giúp ngăn ngừa các biến chứng đái tháo đường nói chung và biến chứng tim mạch nói riêng đó là kiểm soát cân nặng của mình, thông qua việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt. Từ đó là tăng mức cholesterol HDL (cholesterol lợi), giảm triglyceride và giảm huyết áp.

Kiểm soát đường huyết

Ổn định đường huyết về ngưỡng 4,4 – 6,4 mmol/l là mục tiêu của việc điều trị đái tháo đường, từ đó giúp phòng ngừa các biến chứng. Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt dựa trên lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa trong từng trường hợp, từng giai đoạn. Cần đảm bảo chế độ dùng thuốc được sử dụng hợp lý theo đơn của bác sĩ.