Tiểu đường tuýp 2 hay còn gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin là một bệnh lý mạn tính mà lượng đường trong máu cao hơn mức cho phép. Các biện pháp điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nguyên nhân gây ra tiểu đường tuýp 2
Theo Tây Y
Tuyến tụy tiết ra hormone Insulin giúp chuyển hóa đường trong máu về dạng dự trữ. Cơ chế bệnh sinh chính của đái tháo đường týp 2 là tình trạng kháng insulin. Tuyến tụy vẫn sản xuất đủ insulin nhưng gan, cơ và các tế bào mỡ giảm khả năng sử dụng insulin, từ đó cản trở vận chuyển glucose vào trong các tế bào của cơ thể.
Cơ thể nhận được tín hiệu cần nhiều insulin hơn để thu nhận glucose vào trong tế bào và tuyến tụy cố gắng đáp ứng nhu cầu bằng cách gia tăng sản xuất thêm insulin.
Qua thời gian, tuyến tụy không đáp ứng được nhu cầu sản xuất insulin ngày một tăng khi có sự gia tăng mức đường trong máu và bạn cần phải điều trị bổ sung để khống chế tốt bệnh đái tháo đường.
Theo Đông Y
Bệnh đái tháo đường thuộc phạm trù “Tiêu khát” của Y học cổ truyền. Tiêu khát là sự đốt cháy tân dịch ở bên trong cơ thể (tiêu) từ đó mà nhu cầu cơ thể đòi hỏi phải ăn nhiều, uống nhiều để bù đắp tân dịch.
Tiêu khát có nhiều hình thức đốt cháy, tiêu hao tân dịch. Có thể chủ yếu bằng đường niệu, bằng đường sốt, ra mồ hôi. Hoặc nung đốt phần âm dịch làm cơ thể luôn luôn nóng hơn bình thường… Cuối cùng gây ra các triệu chứng: Ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhanh. Trong nước tiểu có nhiều đường nên thấy ruồi và kiến bâu.
Từ những ghi chép của y văn cổ qua các thời đại thấy có nhiều yếu tố liên quan đến bệnh tiêu khát. Thứ nhất là do tiên thiên bất túc, tức nguyên khí bị hư. Thứ 2 là do hậu thiên: Do ăn uống không điều độ (quá no hay quá đói). Ăn nhiều chất béo, ngọt, tinh thần không ổn định, tình chí thất điều làm ảnh hưởng đến công năng của các tạng phủ.
Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi. Các nhân tố gây bệnh thường phối hợp với nhau gây ra những hội chứng bệnh trong bệnh tiêu khát.
Các yếu tố nguy cơ của tiểu đường tuýp 2
- Tuổi tác: Trên 40 tuổi hoặc trên 25 tuổi với khu vực Nam Á
- Gia đình: Có người thân mắc tiểu đường như bố mẹ, anh chị em
- Yếu tố địa lý: Nam Á, Trung Quốc, Nam Mỹ hoặc Phi.
- Lối sống: Ít vận động, hút thuốc, căng thẳng, ngủ quá nhiều hoặc quá ít.
- Bệnh lý: Một số bệnh lý bạn đang mắc phải có thể khiến bạn dễ mắc tiểu đường hơn. Như tiền tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, mỡ máu, thừa cân béo phì, mang thai lớn (con hơn 4,5kg). Hoặc có tiền sử tiểu đường thai kì, buồng trứng đa nang.
Dùng thuốc
Mục đích của việc dùng thuốc là đưa đường huyết sau ăn về mức độ sinh lý. Duy trì lượng đường huyết khi đói, đạt mức HbA1C lý tưởng. Từ đó làm giảm biến chứng do tiểu đường gây ra. Các thuốc kiểm soát đường huyết phổ biến bao gồm:
- Insulin: Khoảng 1/3 bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 buộc phải sử dụng insulin để duy trì lượng glucose máu ổn định.
- Các thuốc khác: Nhóm kích thích sản xuất insulin trong cơ thể gồm một số thuốc phổ biến như Sulfonylureas, Meglitinides hoặc Glinides… Nhóm làm tăng tính nhạy cảm với insulin bao gồm Metformin, Thiazolidinediones.
Các phương pháp tự nhiên hỗ trợ khác
Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung các khoáng chất như crom, magie hay vanadium có tác dụng làm giảm đường huyết với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh tác dụng của việc bổ sung khoáng chất này.
Các thức ăn từ thực vật như ngũ cốc, các loại hạt, bông cải xanh và các loại rau có lá xanh khác, quế, đinh hương, đậu bắp, cà phê, hạnh nhân giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, và khả năng sử dụng insulin.
Quế giúp cải thiện chuyển hóa đường và cholesterol, kích thích sản xuất insulin. Chiết xuất đinh hương kích thích hoạt tính của insulin, giảm glucose, cholesterol toàn phần, LDL và triglyceride. Một hoạt chất chưa xác định được trong cà phê (không phải caffeine) có thể tăng tính nhạy cảm với insulin và làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
Thiền, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt cũng được cho là có tác dụng hỗ trợ trong các trường hợp tiểu đường biến chứng.
Các biện pháp điều chỉnh lối sống
Chế độ ăn uống và tập luyện là hai biện pháp không thể tách rời với việc dùng thuốc. Ở giai đoạn tiền tiểu đường (chỉ số đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa đạt đến ngưỡng chẩn đoán mắc bệnh), điều chỉnh lối sống là một trong các phương pháp bắt buộc để tránh tăng lượng đường trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh và dùng thuốc điều trị.
Điều chỉnh chế độ ăn
Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ giúp cung no lâu, giảm cảm giác thèm ăn. Nên ăn uống đúng giờ và dừng lại khi bạn thấy no.
+ Các loại thực phẩm nên ăn: Rau quả, các loại đậu, ngũ cốc, nhóm thực phẩm giàu omega 3 bao gồm các loại cá, chọn các chất béo không bão hòa đơn và đa như dầu olive.
+ Các loại thực phẩm nên tránh: các loại thịt đỏ, nội tạng, động vật có vỏ. Thực phẩm giàu chất béo, đồ nướng, rán,…
Tập luyện
Tập luyện ít nhất 30 phút hàng ngày sẽ giúp cải thiện sức khỏe của bạn nói chung. Ngoài ra nên cố gắng vận động nhiều nhất có thể.
Một số chú ý
- Chế độ ăn uống cân bằng, kiểm soát cân nặng và tăng cường vận động sẽ giúp giảm khả năng mắc bệnh.
- Bạn nên đi xét nghiệm đường huyết nếu có các yếu tố nguy cơ như trên 40 tuổi. Gia đình có người mắc tiểu đường hoặc bản thân mắc một số bệnh lý như đã nêu ở trên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh biến chứng.