sai lầm rất hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường

Các nhóm thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 hiệu quả nhất hiện nay

Khi bệnh nhân tiểu đường điều trị bệnh bằng các loại thuốc sai cách có thể vừa khiến tinh thần mệt mỏi lại tốn kém về mặt kinh tế, thậm chí biến chứng sang các bệnh khác. Bạn cần hiểu về các loại thuốc cho bệnh tiểu đường để uống thuốc hiệu quả. Sau đây là các nhóm thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 hiệu quả nhất hiện nay

Tác dụng của thuốc điều trị bệnh tiểu đường

Tất cả các loại thuốc cho bệnh tiểu đường đều hướng đến cải thiện sự “thiếu hiệu quả của insulin” và giảm lượng đường trong máu.

thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2
Thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2

Có rất nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường khác nhau như thuốc tăng sự tiết insulin, thuốc cải thiện tính kháng insulin, thuốc tiêm insulin từ bên ngoài giúp bổ sung lượng insulin đang thiếu,…Tùy theo tình trạng bệnh mà sử dụng 1 hoặc kết hợp nhiều loại thuốc uống và thuốc tiêm insulin, thuốc tiêm ngoài insulin như thuốc đồng vận thụ thể GLP-1.

Hãy chú ý tìm hiểu về tác dụng và đặc trưng của thuốc bản thân đang dùng và cố gắng không quên uống thuốc hoặc tiêm thuốc.

Các nhóm thuốc điều trị tiểu đường type 2

Có thể thấy, dựa trên cơ chế bệnh sinh, việc điều bệnh đái tháo đường type 1 chỉ dựa vào insulin đường tiêm (do tụy không sản xuất được insulin), đây là dạng tiểu đường không dùng thuốc uống, trái ngược với tiểu đường type II. Bệnh đái tháo đường type 2 là loại thường gặp nhất, chiếm 90% tổng số bệnh nhân đái tháo đường.

Dùng thuốc hạ đường máu dạng viên để điều trị đái tháo đường là một trong những biện pháp chủ yếu để kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2. Sau đây là một số đặc điểm của thuốc hạ đường huyết điều trị đái tháo đường:

Thuốc viên điều trị đái tháo đường không chứa insulin: chỉ dùng cho bệnh nhân tiểu đường type 2. Bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc điều trị đái tháo đường khi bệnh nhân đã thực hiện tốt việc ăn uống có kế hoạch và tập thể dục nhưng vẫn không kiểm soát được đường huyết. Hiện tại có các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường được sử dụng hiện nay:

  • Nhóm Sulfonylurea
  • Nhóm Biguanid
  • Nhóm thuốc ức chế men Alpha-glucosidase
  • Nhóm Thiazolidinedione (pioglitazone, rosiglitazone)
  • Meglitinides
  • Nhóm thuốc ức chế DPP4 (ức chế men DiPeptidyl Peptidase 4)
  • Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1
  • Nhóm ức chế kênh đồng vận chuyển Natri-glucose SGLT2

Nhóm Sulfonylurea

• Acetohexamide
• Chlorpropamide
• Glimepiride
• Gliclazide
• Glipizide
• Glyburide
• Tolazamide
• Tolbutamide

Cơ chế tác dụng: kích thích tụy tạng tiết thêm insulin, giúp cơ thể sử dụng tốt insulin, ức chế gan đưa glucose dự trữ vào máu.

Ưu điểm: có thể được sử dụng lâu năm, làm giảm thiểu các nguy cơ biến chứng trên mạch máu nhỏ, giảm nguy cơ tim mạch và tử vong. Nhược điểm: Nhóm Sulfonylurea gây hạ glucose huyết và tăng cân.

Nhóm Biguanid

• Metformin: dạng duy nhất của nhóm này được sử dụng tại Hoa Kỳ.
Cơ chế: Biguanides ức chế gan đưa glucose dự trữ vào máu và giúp cơ thể sử dụng tốt insulin.

Ưu điểm: thuốc có thể sử dụng lâu năm, khi dùng đơn độc không gây hạ glucose huyết, không làm thay đổi cân nặng hoặc có thể giảm cân, giảm LDL-cholesterol, giảm triglycerides, giảm nguy cơ tim mạch và tử vong.

Nhược điểm: Chống chỉ định ở bệnh nhân suy thận (chống chỉ định tuyệt đối với bệnh nhân có eGFR< 30 ml/phút), gây rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, nhiễm acid lactic.

Nhóm ức chế men Alpha-glucosidase

• Acarbose
• Glyset

Cơ chế: Nhóm thuốc ức chế men Alpha-glucosidase ức chế sự phân hóa carbohydrate thành đường glucose ở trong ruột, làm chậm sự hấp thu glucose vào máu, giúp giải quyết tình trạng tăng đường huyết sau bữa ăn.

Ưu điểm: dùng thuốc đơn độc không gây hạ glucose huyết, thuốc cho tác dụng tại chỗ là giảm glucose huyết sau ăn. Giảm HbA1c 0.5 – 0.8%
Nhược điểm: gây rối loạn tiêu hóa, sình bụng, đầy hơi, tiêu phân lỏng. Cách giảm thiểu tác dụng phụ bằng cách bắt đầu với liều thấp. Những bệnh nhân mắc bệnh đường ruột không nên dùng thuốc nhóm này.

Nhóm Thiazolidinedione

• Pioglitazone
• Rosiglitazone
Cơ chế tác dụng: kích thích cơ bắp sử dụng insulin và giảm việc đưa glucose vào máu từ đường dạng dự trữ trong gan. Hiện nay không sử dụng Rosiglitazone vì nguy cơ tim mạch, trong khi Pioglitazone còn phải cân nhắc.

Ưu điểm: khi dùng đơn độc không gây hạ glucose huyết, giúp giảm triglycerides, tăng HDL-cholesterol.

Nhược điểm: gây tăng cân, phù/suy tim, dễ gãy xương, K bàng quang, đau cơ…

Nhóm thuốc Thiazolidinediones có thể gây tổn thương ở gan do đó FDA Hoa Kỳ khuyên nên thử chức năng gan trước khi dùng thuốc này và trong năm đầu sử dụng nên thử chức năng gan mỗi 2 tháng. Dấu hiệu thương tổn ở gan: ói mửa, đau bụng, mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu đậm màu, vàng da, vàng mắt. Người bệnh gan, suy tim hay phụ nữ mang thai không nên dùng nhóm thuốc này.

Meglitinide

• Repaglinide: dạng duy nhất của nhóm này được dùng hiện nay
Cơ chế tác dụng: kích thích tế bào beta tuyến tụy tiết thêm insulin, nhóm thuốc này cho tác dụng nhanh hơn sulfonylureas. Uống lúc bắt đầu bữa ăn giúp đường huyết không tăng quá mức cao sau khi ăn.

Ưu điểm: giúp glucose huyết sau ăn
Nhược điểm: gây tăng cân, hạ glucose huyết và phải dùng nhiều lần

Thuốc ức chế men DPP-4

• Sitagliptin
• Vildagliptin
• Saxagliptin
• Linagliptin

Cơ chế tác dụng: ức chế hoạt động men DPP-4, làm tăng GLP-1, làm giảm đường huyết do kích thích tiết insulin và ức chế tiết glucagon. Thuốc được sử dụng 1 lần/ngày, không phụ thuộc bữa ăn.

Ưu điểm: thuốc dùng đơn độc không gây hạ glucose huyết, dung nạp tốt, giảm HbA1c 0.5 – 1%
Nhược điểm: Có thể gây dị ứng, ngứa, nổi mề đay, phù, viêm

Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1

• Liraglutide
• Exenatide
• Semaglutide
Cơ chế tác dụng: Thuốc làm tăng tiết insulin khi lượng glucose máu tăng, đồng thời ức chế tiết glucagon, làm chậm nhu động dạ dày và làm giảm cảm giác thèm ăn

Ưu điểm: giúp làm giảm glucose huyết sau ăn, giảm cân, khi dùng thuốc đơn
độc ít gây hạ glucose huyết, giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến bệnh tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường type có nguy cơ tim mạch cao, giảm HbA1c 0.6-1.5%

Nhược điểm: gây buồn nôn, nôn, viêm tụy cấp. Không dùng khi có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư giáp dạng tủy, bệnh đa u tuyến nội tiết loại 2.

Nhóm ức chế kênh đồng vận chuyển Natri-glucose SGLT2

• Dapagliflozin
• Canagliflozin

Cơ chế tác dụng: Ức chế tác dụng của kênh đồng vận chuyển Natri-glucose SGLT2 tại ống lượn gần, tăng thải glucose qua đường niệu, khi dùng đơn độc ít gây hạ glucose huyết, giảm cân nặng, giảm huyết áp, giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến bệnh tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường type có nguy cơ tim mạch cao, giảm HbA1c 0.5-1%

Nhược điểm: gây tác dụng phụ nhiễm nấm đường niệu dục, nhiễm trùng tiết
niệu, nhiễm ceton acid, mất xương (với canagliflozin).

Lưu ý chung khi sử dụng các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2

Lưu ý chung khi sử dụng các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2
Lưu ý chung khi sử dụng các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2

• Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Mỗi loại thuốc được kê đơn sẽ có ghi rõ về thời gian dùng để người bệnh thực hiện theo. Thời điểm sử dụng của một số nhóm thuốc bao gồm:

  • Nhóm Acarbose: Uống ngay trước khi ăn.
  • Nhóm Sulfonylureas: Dùng trước khi ăn 15 – 30 phút.
  • Nhóm ức chế DPP-4: Có thể uống trước hoặc sau khi ăn.
  • Nhóm Thiazolidinediones: Có thể uống trước hoặc sau khi ăn.
  • Nhóm Metformin: Uống sau khi ăn để hạn chế tác dụng phụ thuốc trên đường tiêu hóa.

Dù bạn sử dụng bất cứ loại thuốc nào bao gồm thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, người bệnh cũng cần sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời điểm để mang lại hiệu quả điều trị cao.