Những lưu ý khi ngâm chân ở người bệnh tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý khi ngâm chân với nước ấm

Lạnh bàn chân là tình trạng phổ biến ở người đái tháo đường hay tiểu đường. Đặc biệt là khi nhiệt độ thấp và lượng đường trong máu cao đã làm giảm lưu thông máu đến bộ phận này. Ngâm chân ở người bệnh tiểu đường với nước ấm giúp ngủ ngon hơn. Điều đó sẽ tùy thuộc vào tình trạng bàn chân và cách bạn tiến hành ngâm như thế nào.

Trường hợp nào không nên ngâm chân

Không nên ngâm chân nước ấm khi có các vết thương hở, nhiễm trùng, lở loét hoặc vết thương chưa lành hẳn… Nước ấm sẽ làm cho tổ chức da ở các vết thương này bị mềm ra, tạo điều kiện cho vi khuẩn ăn sâu hơn. Điều đó sẽ làm cho tổn thương bàn chân nặng hơn và dẫn đến nguy cơ đoạn chi.

Trường hợp không nên ngâm chân
Trường hợp không nên ngâm chân

Ngược lại, nếu bàn chân lành lặn không có thương tích, bạn có thể ngâm chân để giảm tình trạng lạnh bàn chân và dễ ngủ hơn. Một giấc ngủ ngon cũng rất quan trọng nếu muốn kiểm soát tốt đường huyết.

Những lưu ý khi ngâm chân ở người bệnh tiểu đường

– Thứ nhất, không ngâm chân nước quá nóng. Tốt nhất bạn nên dùng nhiệt kế đo nước hoặc nhờ người nhà kiểm tra nước trước khi ngâm. Khi mắc tiểu đường, cảm giác với nhiệt độ của bạn có thể bị sai. Không nên tự mình kiểm tra nước. Nhiệt độ ngâm chân tốt nhất là 40 – 45 độ C.

Những lưu ý khi ngâm chân ở người bệnh tiểu đường
Những lưu ý khi ngâm chân ở người bệnh tiểu đường

– Sau khi đưa chân ra khỏi chậu nước, cần dùng khăn mềm thấm thật khô nước, đặc biệt là ở móng và các kẽ bàn chân. Môi trường ẩm ướt là cơ hội cho các loại nấm phát triển trên bàn chân.

– Nếu nước ngâm chân có pha muối, bạn nên rửa lại chân một lần nữa với nước ấm (nhiệt độ 40 – 45 độ C), sau đó mới lau khô. Nếu không rửa lại, lượng muối còn bám trên da sẽ hút ẩm và có thể gây nấm ngứa.

– Trong thời tiết hanh hoặc nếu thấy da bị khô, nẻ, bạn nên dùng kem dưỡng ẩm như vaseline, dexeryl, Aquaphor… Lưu ý, bạn chỉ cần bôi một lớp mỏng kem dưỡng ở phần kẽ ngón chân vì vị trí này dễ phát sinh nấm.

Cách phòng ngừa biến chứng và chăm sóc bàn chân

Biến chứng bàn chân do đái tháo đường là đường huyết không kiểm soát tốt và tổn thương thần kinh ở chân. Vì vậy, trước hết bạn cần kiểm soát tốt đường huyết bằng cách dùng thuốc theo đơn bác sỹ kê. Kết hợp với chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp.

Cùng với đó, việc hạn chế và phục hồi tổn thương thần kinh ở bàn chân cũng rất quan trọng. Tổn thương thần kinh làm giảm cảm giác bàn chân và tạo thành các vết loét, nhiễm trùng, hoại tử…

Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh tiểu đường nên kiểm tra chân. Vệ sinh chân sạch sẽ bằng xà bông diệt khuẩn, sát trùng hàng ngày. Đồng thời nên sử dụng nhiệt kế đo nước để không gây bỏng cho chân.

Lau khô chân nhẹ nhàng bằng khăn. Đồng thời bôi kem dưỡng ẩm ở gót chân để phòng tránh nứt nẻ do thời tiết. Lưu ý, không bôi nhiều vào kẽ ngón chân.

Nên đi tất và dép đi trong nhà. Chọn tất rộng vừa phải, và nên lộn trái tất để tránh các tổn thương do đường may ở tất trà sát vào vết xước.

Không nên chườm nóng, sưởi chân hoặc ngâm chân nước nóng, kể cả khi thấy tê bì hoặc lạnh chân để tránh bị bỏng hoặc tổn thương do nhiệt. Ngoài ra, nên điều chỉnh tư thế ngồi, không nên bắt chéo chân quá lâu, và nên kê cao chân nếu có thể.