Bệnh đái tháo đường

Nguyên lý chẩn đoán điều trị, dấu hiệu triệu chứng bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường (bệnh tiểu đường) hiện đang phổ biến hiện nay. Tuy nhiên nguyên lý chẩn đoán điều trị, dấu hiệu triệu chứng không phải ai cũng biết. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn.

Nguyên nhân và tỷ lệ mắc đái tháo đường

Đái tháo đường (DM) bao gồm một nhóm các rối loạn chuyển hóa mà có biểu hiện chung của tăng đường huyết. Đái tháo đường hiện nay được phân loại dựa trên cơ chế bệnh sinh làm tăng đường huyết.

Nguyên nhân và tỷ lệ mắc đái tháo đường
Nguyên nhân và tỷ lệ mắc đái tháo đường

Đái tháo đường type 1 được đặc trưng bởi tình trạng thiếu insulin và xu hướng sẽ chuyển hóa theo ketosis, trong khi đái tháo đường type 2 là nhóm các rối loạn không đồng nhất đặc trưng bởi mức độ kháng insulin, giảm tiết insulin, và sản xuất glucose ở gan quá mức.

Các thể đặc biệt khác bao gồm đái tháo đường do khiếm khuyết di truyền [đái tháo đường khởi phát ở người trẻ (MODY) và rối loạn đơn gen hiếm gặp khác], bệnh về tuyến tụy ngoại tiết (viêm tụy mãn, xơ nang, bệnh thừa sắt), bệnh nội tiết (bệnh to đầu chi, hội chứng Cushing, u tụy glucagon, u tủy thượng thận , cường giáp), thuốc (acid nicotinic, glucocorticoid, thiazide, thuốc ức chế protease), và mang thai (đái tháo đường thai kỳ).

Biểu hiện lâm sàng của các loại đơn gen này và đái tháo đường thứ phát thường giống đái tháo đường type 2; mức độ nghiêm trọng của nó phụ thuộc vào mức độ rối loạn chức năng tế bào beta và kháng insulin.

Đái tháo đường type 1 thường do phá hủy tự miễn dịch của tế bào beta tuyến tụy; nó còn được gọi là bệnh tiểu đường khởi phát ở tuổi vị thành niên bởi vì tỷ lệ mắc cao ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tỷ lệ mắc đái tháo đường đang tăng lên nhanh chóng; riêng đái tháo đường type 2 đang tăng song song với bệnh béo phì.

Chẩn đoán bệnh đái tháo đường

Tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường bao gồm một trong các tiêu chuẩn sau

  • Đường huyết lúc đói ≥ 7.0 mmol/L (≥ 126 m/dL).
  • Các triệu chứng của bệnh tiểu đường cộng với xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên ≥11.1 mmol/L (≥ 200 mg/dL).
  • Đường huyết sau 2h ≥ 11.1 mmol/L (≥200 mg/dL) trong nghiệm pháp dung nạp glucose 75g bằng đường uống.
  • HbA1c > 6,5%

Các tiêu chuẩn phải được khẳng định bằng xét nghiệm lại vào một ngày khác, trừ khi hiện tại rõ ràng là tăng đường huyết.

Hai loại rối loạn trung gian cũng đã được xác định

Giảm dung nạp glucose lúc đói (IFG) khi đường huyết lúc đói từ 5,6-6,9 mmol/L (100-125 mg/dL).

Rối loạn dung nạp glucose (IGT) khi đường huyết từ 7,8-11,1 mmol/L (140-199 mg/dL) sau 2 giờ uống 75g glucose.

Những trường hợp IFG hoặc IGT không có đái tháo đường nhưng có nguy cơ đáng kể bị đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch trong tương lai. Sàng lọc làm đường huyết lúc đói được khuyến khích mỗi 3 năm cho những người trên 45 tuổi, cũng như cho những người trẻ bị thừa cân (chỉ số khối cơ thể ≥ 25 kg/m2) và có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ khác.

Hội chứng chuyển hóa (còn được gọi là hội chứng kháng insulin hoặc hội chứng X) là thuật ngữ dùng để mô tả sự phối hợp hay gặp của các rối loạn chuyển hóa bao gồm kháng insulin (có hoặc không có bệnh tiểu đường), tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì kiểu nam hoặc nội tạng, và rối loạn chức năng nội mô và có liên quan với bệnh tim mạch tiến triển.

Đặc điểm lâm sàng bệnh đái tháo đường

Đặc điểm lâm sàng bệnh đái tháo đường
Đặc điểm lâm sàng bệnh đái tháo đường

Các triệu chứng thường gặp của đái tháo đường bao gồm: tiểu nhiều, uống nhiều, sụt cân, mệt mỏi, suy nhược, mờ mắt, thường bị các nhiễm trùng bề mặt, và vết thương lâu lành. đái tháo đường type 2 giai đoạn sớm, các triệu chứng có thể khó phát hiện hơn và bao gồm mệt mỏi, vết thương lâu lành, và dị cảm.

Thiếu các triệu chứng là lý do chính chẩn đoán muộn đái tháo đường type 2. Hỏi tiền sử bệnh tỉ mỉ, đầy đủ với sự chú ý đặc biệt về cân nặng, tập thể dục, hút thuốc lá, uống rượu, tiền sử gia đình bị đái tháo đường, và các yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch.

Với một bệnh nhân bị đái tháo đường, đánh giá sự chăm sóc trong bệnh tiểu đường trước, nồng độ HbA1c, chỉ số đường huyết tự theo dõi, số lần bị hạ đường huyết, và những hiểu biết của bệnh nhân về đái tháo đường.

Đặc biệt chú ý trong khám kiểm tra võng mạc, huyết áp tư thế đứng, kiểm tra bàn chân (bao gồm cả cảm giác rung và test sợi đơn), các mạch ngoại vi, và vị trí tiêm insulin. Biến chứng cấp tính của đái tháo đường bao gồm nhiễm toan ceton đái tháo đường (DKA) (đái tháo đường type 1) và tình trạng tăng thẩm thấu do tăng đường huyết (đái tháo đường type 2).

Các yếu tố nguy cơ

  • Trong gia đình có người bị đái tháo đường.
  • Hoạt động thể lực kém.
  • Chủng tộc/sắc tộc (VD, African American, Latino, Native American, Asian American, Pacific Islander).
  • Được xác định bị IFG, IGT, hoặc HbA1C từ 5.7–6.4% trước đó.
  • Tiền sử bị đái tháo đường thai kì (GDM) hoặc sinh con > 4 kg (> 9 lb).
  • Tăng huyết áp (huyết áp ≥140/90 mmHg).
  • Chỉ số HDL cholesterol ≤ 0.90 mmol/L (35 mg/dL) và/hoặc chỉ số triglyceride ≥ 2.82 mmol/L (250 mg/dL).
  • Hội chứng buồng trứng đa nang hoặc bệnh gai đen.
  • Tiền sử bệnh mạch máu.

Các biến chứng mãn tính của bệnh đái tháo đường bao gồm

  • Mắt: Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh hoặc không tăng sinh, phù hoàng điểm, tân mạch mống mắt, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể
  • Thận: protein niệu, bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD), nhiễm toan ống thận type 4.
    Thần kinh: bệnh đa dây thần kinh ngoại biên đối xứng, bệnh đa rễ thần kinh, bệnh một dây thần kinh, bệnh thần kinh tự miễn.
  • Tiêu hóa: liệt dạ dày, tiêu chảy, táo bón.
  • Tiết niệu-sinh dục: bệnh về bàng quang, rối loạn chức năng cương dương, rối loạn chức năng sinh dục ở nữ, candida âm đạo.
  • Tim mạch: bệnh động mạch vành, suy tim sung huyết, bệnh mạch máu ngoại vi, đột quỵ.
  • Chân: biến dạng bàn chân (ngón chân hình búa, ngón chân móng vuốt, bàn chân Charcot), loét, cắt cụt.
  • Da liễu: Nhiễm trùng (viêm nang lông, nhọt, viêm mô tế bào), hoại tử , lâu lành, loét, hoại thư.
    Nha khoa: Bệnh nha chu.