Lựa chọn thực phẩm dành cho người tiểu đường

Thực phẩm cho người tiểu đường rất quan trọng và nên biết cách nhận định chỉ số đường huyết của thực phẩm, từ đó biết cách cần giữ hay loại bỏ thực phẩm đó trong chế độ ăn hằng ngày.
Những thực phẩm đề cập trong bài viết này giúp ổn định đường huyết an toàn cho người bệnh đái tháo đường.

Lựa chọn thực phẩm dành cho người tiểu đường như thế nào?

Người bệnh tiểu đường nên chọn thực phẩm GI (Glycemic Index – chỉ số đường huyết) thấp. Đây là chỉ số được dùng để phản ánh tốc độ làm tăng lượng đường trong máu sau khi nạp chất bột đường vào cơ thể. GI thường được dùng để giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát lượng đường huyết hiệu quả. Chỉ số GI của một thực phẩm được phân làm 3 loại: thấp, trung bình và cao.

Thực phẩm dành cho người tiểu đường

Thực phẩm có chỉ số GI cao (từ 70 trở lên) nghĩa là có thể làm tăng đường huyết nhanh, GI trung bình thường từ 56-69, còn GI thấp (≤ 55) là những thực phẩm làm mức đường huyết tăng từ từ đều đặn và cũng giảm chậm rãi, nhờ đó giữ được nguồn năng lượng ổn định, rất có lợi cho sức khỏe người bệnh đái tháo đường.

Cách lựa chọn thực phẩm cho người bệnh tiểu đường

– Nên ăn cá, hải sản, ít chất béo bão hòa như một số loài cá nước lạnh như cá hồi giàu chất béo omega-3 có lợi cho tim mạch, ngăn những biến chứng tiểu đường và tim mạch. Nên chọn thịt nạc bỏ da, nên ăn đạm thực vật như đậu hũ, đậu que, nấm…

-Nên ổn định lượng bột đường ở mỗi bữa ăn chính (lượng cơm, bún, khoai, trái cây) để duy trì tốt đường huyết. Trong bữa ăn nên ăn nhiều chất xơ (rau củ quả) để làm chậm hấp thu đường huyết, quét bớt cholesterol thừa khỏi ống tiêu hóa

– Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, xen lẫn các bữa phụ người bệnh có thể ăn các loại trái cây không làm tăng đường huyết như bưởi, cam, thanh long, dâu tây, táo, lê…

– Nên tránh các loại thực phẩm đóng hộp như thịt hộp và xúc xích có hàm lượng các chất béo cao, nhiều natri, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp dễ gây ra biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người bệnh tiểu đường

– Tránh chế biến những món ăn hầm nhừ, xay nhuyễn, lăn bột chiên, hoặc phải dùng nhiệt độ quá cao như chiên, nướng.

– Bổ sung thêm các loại sữa có chỉ số đường huyết thấp, sử dụng đường hấp thu chậm như đường Palatinose không làm tăng nhanh đường huyết sau khi ăn, đồng thời nên có sự tư vấn của bác sĩ.

Các lựa chọn các thực phẩm theo nhóm

Chất bột đường

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng lượng chất bột đường người bệnh đái tháo đường típ 2 ăn trong ngày chỉ nên chiếm 55 – 60% tổng lượng năng lượng. Năng lượng cho một người trưởng thành trung bình 2.000 calorie/ngày. Mức năng lượng sẽ thay đổi theo tuổi tác, mức độ hoạt động thể lực, tình trạng cân nặng và giới tính. Nếu cần giảm cân thì phải cắt giảm bớt năng lượng. 1g chất bột đường cung cấp được 4kcal.

Chất bột đường có trong các loại thực phẩm sau:

  • Gạo và các sản phẩm chế biến như bún, hủ tiếu, phở, các loại bánh bột gạo, xôi, mì, nui, …
  • Lúa mì và các sản phẩm chế biến như nui, nì sợi, bánh mì các loại…
  • Khoai, sắn, ngô, các loại đậu, yến mạch
  • Bánh, kẹo
  • Nước ngọt các loại
  • Trái cây
  • Đồ ăn vặt: khoai tây chiên, bánh snack…

Loại chất bột đường nào tốt cho người đái tháo đường?

Các loại chuyển hóa chậm, chưa qua chế biến nhiều như gạo lứt, lúa mạch, lúa mì thô, ngô, các loại đậu… tốt cho người đái tháo đường so với các loại bột, bánh đã qua chế biến vì không làm tăng nhanh đường huyết sau khi ăn và còn giữ được nhiều chất xơ và vitamin. Khi ăn các loại thức ăn nhiều chất xơ, đường sẽ được hấp thu vào máu chậm hơn.

Các lựa chọn thực phẩm cho người tiểu đường

Chất đạm

Người đái tháo đường nên ănchất đạm với lượng chiếm khoảng 13 – 20% tổng năng lượng hàng ngày. 1g chất đạm cung cấp 4kcal. Cần chú ý 1g chất đạm không đồng nghĩa là 1g thịt heo hay thịt bò. Thông thường trong 100g thịtcó chứa khoảng 16 – 20g chất đạm . Bạn có thể tìm kiếm thông tin trên internet về lượng chất đạm có trong các loại loại thực phẩm.

Nên chọn các loại chất đạm dễ hấp thu, chứa ít lượng chất béo bão hòa vì giúp giảm biến chứng thận và tim mạch cho người bị bệnh đái tháo đường.

Các thực phẩm giàu chất đạm nên chọn là:

  • Các loại đậu, nấm, tàu hũ
  • Trứng
  • Sữa
  • Các loại thịt gia cầm.
  • Các loại thịt heo và thịt đỏ như bò, cừu có chứa nhiều chất béo bão hòa trong thành phần nên hạn chế sử dụng.

Chất béo

Người đái tháo đường nên ăn chất đạm với lượng chiếm khoảng 20 – 25 % tổng năng lượng hàng ngày . 1g chất béo cung cấp đến 9kcal.

Chất béo vẫn là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng. Giúp hấp thu vitamin và là cơ chất trong tổng hợp các hormone nội tiết. Với người đái tháo đường chất béo không bão hòa tốt hơn chất béo bão hòa.

Các thực phẩm cung cấp chất béo tốt là:

  • Dầu ô liu, đậu nành, hướng dương
  • Các loại cá béo.
  • Các loại hạt như hạnh nhân, óc chó…
  • Trái bơ

Các loại chất béo có trong thức ăn nhanh, thịt đỏ, mỡ động vật, bơ… không tốt cho cơ thể.

Rau và trái cây

Rau và trái cây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, các chất chống oxy hóa. Và chất xơ chính trong bữa ăn hàng ngày cho người đái tháo đường.

Chất xơ giúp hạn chế tăng đường huyết, giảm xơ mỡ mạch máu, ngăn ngừa táo bón

Vitamin, khoáng chất, các chất chống oxy hóa giúp điều hòa chuyển hóa, bảo vệ các tế bào và thành mạch.. Các loại rau chứa khá nhiều chất xơ, vitamin có ưu điểm là chứa rất ít đường nên người đái tháo đường có thể ăn nhiều rau trong khẩu phần ăn hàng ngày mà không lo tăng đường huyết.

Trái lại với nhóm rau, trái cây chứa khá nhiều đường fructose là loại đường chuyển hóa nhanh. Người tiểu đường chỉ nên ă các loại trái cây ít ngọt, ăn không quá 200 g mỗi ngày. Các loại trái cây nhiều đường như xoài, mít, nhãn, nho, sầu riêng … nên ít hơn 1 lần mỗi 2 tuần và khi ăn phải ăn sau bữa ăn chính.

Hãy chọn những loại tốt cho sức khỏe để sống vui sống khỏe giảm thiểu biến chứng biến chứng của bệnh nhân tiểu đường.